Đô thị

Giá cát xây dựng tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Do nguồn cung giảm nên giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng rất mạnh. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đang triển khai các công trình xây dựng.

Theo khảo sát trên thị trường cho thấy, giá cát hiện đã tăng 60-80 ngàn đồng/m3 (tương ứng mức tăng khoảng 30-40%) so với thời điểm cuối năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Mai Sen-Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Phong (xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết: Nếu trước đây mấy tháng, cửa hàng nhập cát giá khoảng 160 ngàn đồng/m3 thì giờ đã là 220 ngàn đồng/m3. Vì vậy, giá cửa hàng bán ra thị trường cũng tăng lên mức 250-260 ngàn đồng/m3. Có thời điểm, giá cát bị đẩy lên rất cao, cộng với chi phí vận chuyển tăng mạnh nên mức bán ra lên đến 280-300 ngàn đồng/m3.

“Năm nay, kinh tế khó khăn nên công trình nhà ở ít, dự án trên địa bàn cũng không nhiều. Vì vậy, nguồn cung cát chưa đến nỗi thiếu như các tỉnh, thành khác đang xây dựng nhiều cao tốc, công trình lớn. Hiện nguồn cát xây dựng ở Pleiku và các huyện lân cận chủ yếu được nhập về từ tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai. Còn cát nhập từ các mỏ ở hướng Phú Thiện, Ayun Pa thì đổ cho các công trình ở khu vực Đông Nam của tỉnh. Nói chung, nguồn cát không lấy cố định mà lấy theo địa bàn để thuận tiện trong việc vận chuyển và tiết giảm bớt chi phí”-bà Sen nói.

Hiện nguồn cát cung cấp cho các công trình xây dựng chủ yếu là từ 28 mỏ cát trên địa bàn tỉnh và một số mỏ ở tỉnh Kon Tum. Nguồn cung hồi đầu năm khó khăn nhưng thời điểm này thì ổn định do nhu cầu xây dựng giảm. Tuy vậy, theo nhận định của một số doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, giá cát có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay và khả năng tiếp tục tăng do nguồn khai thác hạn chế, trong khi nhu cầu dự kiến tăng mạnh từ việc đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 19. Giá cát đầu vào tăng cao đã khiến việc kinh doanh của nhiều cửa hàng thời điểm này gặp khó khăn, thậm chí có nơi còn bị lỗ khoảng 30 ngàn đồng/m3 do có những công trình đã chốt giá cát trước đó với khách hàng, rồi giá dầu tăng mạnh đẩy chi phí vận chuyển cao hơn trước nhiều.

Giá cát hiện đã tăng 30-40% so với thời điểm cuối năm ngoái gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi xây dựng các công trình. Ảnh: Vũ Thảo

Giá cát hiện đã tăng 30-40% so với thời điểm cuối năm ngoái gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi xây dựng các công trình. Ảnh: Vũ Thảo

Theo một chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku), giá cát nhập từ Kon Tum chưa tính VAT đã là 250 ngàn đồng/m3. Trường hợp bán cho khách lẻ thì cửa hàng chỉ cộng thêm 10-20 ngàn đồng/m3 tiền vận chuyển, trong khi giá bán cho các công trình có xuất hóa đơn VAT sẽ được cộng thêm 50 ngàn đồng/m3. Như vậy, giá bán ra thị trường sẽ dao động 270-300 ngàn đồng/m3. Trên thực tế, thị trường bán chậm hơn mọi năm rất nhiều, giá tăng cao là do giá tăng từ mỏ khai thác.

Lý giải cho việc giá cát tăng mạnh so với trước, chủ cửa hàng này cho rằng, hiện nay, nhiều mỏ cát xây dựng đang bị siết chặt, có nơi bị cấm hoạt động. Điều này đã khiến sản lượng cát khai thác ít hơn nên giá đã tăng từ đầu ngọn.

Nguồn khai thác bị kiểm soát chặt chẽ nên nhiều đại lý, cửa hàng chỉ dám nhập cát từ các mỏ được cấp phép, chứ không dám nhập hàng trôi nổi, không hóa đơn chứng từ như trước. Đó cũng là lý do vì sao giá cát bị đẩy lên cao hơn trước nhiều.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 mỏ cát xây dựng. Ảnh: Vũ Thảo

Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 mỏ cát xây dựng. Ảnh: Vũ Thảo

Theo đánh giá, tình hình mua bán cát hiện nay diễn ra khá chậm vì mùa cao điểm xây dựng đã qua. Riêng ở Gia Lai đang là mùa mưa nên cũng ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các công trình xây dựng. Anh Nguyễn Văn Khánh-chủ thầu xây dựng ở TP. Pleiku-cho biết: “Có những công trình xây dựng nhà ở nhận công khoán nên khi giá vật liệu xây dựng biến động thì chỉ ảnh hưởng đến chủ nhà. Trong khi đó, các công trình sửa chữa hầu như là nhận khoán toàn bộ từ vật liệu cho đến nhân công nên giá cát tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến chủ thầu. Nhiều nơi, chủ công trình cho điều chỉnh chút đỉnh để bù đắp giá tăng, còn không thì mình phải tự tiết giảm chi phí”.

Còn theo nhẩm tính của anh Trần Văn Thế (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) thì giá vật liệu xây dựng biến động, trong đó giá cát tăng đến 40% đã đội giá công trình nhà của anh lên khoảng 5% so với dự toán ban đầu.

Có thể bạn quan tâm