Kinh tế

Giá cước vận tải giảm mạnh: Người dân hưởng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là một trong những tỉnh có giá cước vận tải giảm mạnh theo giá xăng dầu (từ 3% đến 44%) và được triển khai khá sớm ngay từ những ngày cuối tháng 8-2015. Nhờ vậy, thời gian qua người dân cùng hành khách đến Gia Lai được hưởng một mức phí đi lại hợp lý.

Không thể… không giảm cước

Ngay khi giá dầu xuống còn 12.845 đồng/lít, ngày 21-8-2015 Hãng xe Thuận Tiến đã tiên phong thực hiện giảm giá cước. Với mức giảm tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh là 280.000 đồng/vé xuống còn 250.000 đồng/vé), tuyến Pleiku-Hà Nội giảm từ 620.000 đồng/vé xuống 600.000 đồng/vé); tiếp đến từ ngày 24-8-2015, Hãng xe Hồng Hải, thực hiện mức giảm từ 6% đến 7%. Và từ ngày 1-9-2015, nhiều hãng xe khác như: Bảy Lang, Trần Tiến, Thuận Ý, Diên Hồng, Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Pleiku, Gia Phúc… mức giảm từ 3% đến 44% tùy từng tuyến. Ngay cả các đơn vị chạy tuyến huyện như Tấn Tài, Hợp tác xã Vận tải Cơ giới Quyết Tiến… cũng thực hiện giảm giá, mức giảm từ 3% đến 7%, đặc biệt cước vận tải hàng hóa đã giảm từ 7%đđến 12%. Đây được xem đợt giảm giá sâu nhất trong thời gian 3 năm gần đây.

 

Đồng loạt các đơn vị vạn tải giảm giá.jpg
Đồng loạt các đơn vị vạn tải giảm giá. Ảnh: Lê Lan

Có thể nói, việc các doanh nghiệp vận tải Gia Lai đồng loạt giảm giá sâu theo giá nhiên liệu và sớm hơn so với nhiều tỉnh thành trong cả nước đã gây tiếng vang và lấy được “điểm cộng” trên thị trường vận tải cả nước. Và với nhiều người am hiểu về thị trường vận tải Gia Lai thì đây là điều tất yếu, không thể không diễn ra từ nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trước hết, đó là nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ cơ quan quản lý. Cụ thể, ngày 19-8-2015, Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn xây dựng phương án giá phù hợp với giá nhiên liệu.

Bên cạnh đó, việc Sân bay Pleiku hoạt động trở lại từ ngày 1-9 với các loại máy bay lớn (A320, A321), tốc độ nhanh và một số hãng máy bay giá rẻ đăng ký khai thác với nhiều giá vé cực rẻ... cũng là lý do khiến các doanh nghiệp vận tải ô tô tranh thủ đợt giảm giá xăng dầu để giảm giá cước nhằm thu hút khách giành thị phần khi một lượng lớn nhu cầu đi lại bị san sẻ qua đường hàng không.

Không chỉ vậy, môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải ở Gia Lai khá gay gắt, không như những tỉnh khác, việc xây dựng biểu đồ chạy xe theo thời gian giãn cách nhất định, dẫn đến xuất hiện khung “giờ vàng”. Gây tâm lý “ỷ lại” đối với những doanh nghiệp xuất bến ở những khung “giờ vàng” do lượng khách đi ở khung giờ này rất đông, cung luôn vượt cầu, vì thế họ ít quan tâm đến giá cả và chất lượng phục vụ. Trong khi đó, tại Gia Lai cho phép các doanh nghiệp có thể xuất bến “hàng ngang”, nghĩa là trong một thời điểm có thể có rất nhiều tài (nốt) của các doanh nghiệp được xuất bến, hành khách có nhiều lựa chọn, từ đó để thu hút khách doanh nghiệp chỉ còn cách xây dựng mức giá hợp lý và nâng cao chất lượng phục vụ.

Người dân hưởng lợi

 

Ảnh: Quang Vũ
Ảnh: Quang Vũ

Tranh thủ dịp lễ Quốc khánh 2-9, em Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh) mua vé xe về Gia Lai thăm gia đình. Trao đổi với P.V, Thúy phấn khởi cho biết: Tụi em sinh viên, nghe giảm giá vé xe mừng lắm, với nhiều người 30.000 đồng không lớn nhưng với tụi em cũng đủ tiền ăn cả ngày rồi. Còn với bà Nguyễn Thị Mai (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) thì vé xe giảm, đường đi vào TP. Hồ Chí Minh hiện khá êm nên cô thường xuyên đi lại bằng xe ô tô để khám bệnh. “Tháng nào cũng đi vô, đi ra vài chuyến. May mà giá vé xe ô tô giảm nên cũng đỡ xót ruột. Thời buổi khó khăn, bớt được đồng nào hay đồng ấy”-bà Mai vui vẻ nói.

Việc giảm giá cước theo giá nhiên liệu phần nào giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho người dân. Chỉ cần tính sơ một bài toán đơn giản cũng thấy được khoản tiền doanh nghiệp vận tải đã chia sẻ và người dân được hưởng lớn như thế nào. Theo thống kê từ Sở Giao thông-Vận tải, mỗi ngày có khoảng 35 xe khách xuất bến từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh, cộng thêm cả lượt về thì tổng số xe tuyến này sẽ là 70 xe. Nếu tính công suất 40 chỗ/xe nhân với mức giảm trung bình 25.000 đồng/vé thì tổng số tiền giảm giá cước cho tuyến này mỗi ngày là 70 triệu đồng-một con số không nhỏ. Nếu tính hết cho các tuyến vận tải toàn tỉnh thì con số này sẽ lớn hơn gấp hàng chục lần…

Theo ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai thì đến thời điểm này, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải hàng khách trên địa bàn đã thực hiện giảm giá. Đặc biệt, hiện đã có cả doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa kê khai giảm giá. Đây là tín hiệu rất vui, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục vận động và giám sát chặt chẽ việc kê khai giá cước theo giá nhiên liệu, góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và người tiêu dùng.

 Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm