Kinh tế

Giá cả thị trường

Mua bán điện trực tiếp, vì sao phải tiêu thụ bình quân 500.000kWh/tháng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là yêu cầu tại thông báo 232 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA).

Theo nội dung thông báo, việc triển khai xây dựng cơ chế chính sách mới về cơ chế DPPA của Bộ Công thương còn chậm, nội dung dự thảo nghị định còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ.

Cụ thể, cần làm rõ đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp, các cơ sở, luận chứng; nghiên cứu và làm rõ sự phù hợp khi giới hạn áp dụng cho khách hàng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh; đồng thời xem xét có giới hạn về công suất giữa nhà sản xuất và dịch vụ thương mại để bảo đảm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ các bên tham gia mua bán điện trực tiếp, bảo đảm an toàn lưới điện; có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh.

Tương tự, điểm b khoản 1 điều 47 luật Điện lực quy định: "Mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao ngay trên thị trường điện lực". Theo đó, luật chỉ quy định "đơn vị phát điện" chung mà không giới hạn cho riêng đơn vị phát điện năng lượng tái tạo. Về việc này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương có giải trình phù hợp trong bối cảnh chủ trương chính sách của Việt Nam cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, trong nghị định này sẽ tập trung cho phát triển năng lượng tái tạo thay vì phát triển năng lượng hóa thạch; nghiên cứu mở rộng phạm vi đối với nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác.

Tương tự, Phó thủ tướng cho rằng, đây là một chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cần nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường; tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin - cho.

Phó thủ tướng yêu cầu cơ chế DPPA cần nêu rõ Quy hoạch điện 8 không hạn chế về quy mô công suất. Ảnh: H.H

Phó thủ tướng yêu cầu cơ chế DPPA cần nêu rõ Quy hoạch điện 8 không hạn chế về quy mô công suất. Ảnh: H.H

Cụ thể, bên mua và bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối đường dây trực tiếp với nhau, không thông qua hệ thống lưới điện của quốc gia. Cần nêu rõ Quy hoạch điện 8 không hạn chế về quy mô công suất, các dự án phát triển điện năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện sản xuất từ rác, điện sinh khối chỉ cần phù hợp với Quy hoạch tỉnh theo luật Quy hoạch; cần quy định cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể (về thuế VAT, môi trường, phòng cháy chữa cháy, điều kiện kỹ thuật đảm bảo an toàn trong sản xuất và sử dụng điện, an toàn trong xây dựng), trình tự thủ tục đơn giản để khuyến khích tối đa; không quy định cứng về hợp đồng mà để các bên tự thỏa thuận theo cơ chế thị trường.

Nếu mua bán trực tiếp nhưng qua hệ thống đường dây truyền tải điện quốc gia cần làm rõ vai trò của Nhà nước và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia; công khai nhu cầu phụ tải của từng khu vực và khả năng điều độ; công khai về các chi phí khi sử dụng dịch vụ hệ thống truyền tải của EVN (hoặc bên thứ 3).

Công khai thông tin doanh nghiệp dùng điện xanh để được cấp tín chỉ xanh

Việc khách hàng chấp nhận giá điện cao để đạt được tín chỉ carbon và thị trường carbon nên phải có các quy định cụ thể để công khai thông tin về các doanh nghiệp đang sử dụng năng lượng sạch để có chính sách ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp tiêu dùng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để nhận được tín chỉ xanh…

Phó thủ tướng cũng yêu cầu cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, EVN về thủ tục chứng nhận và công khai thông tin về doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng điện xanh, sạch để được cấp tín chỉ xanh. Định nghĩa rõ khách hàng lớn, chủ đầu tư khu công nghiệp cũng là một khách hàng lớn và cần mở rộng đối tượng khách hàng là các nhà cung cấp dịch vụ, không nên chỉ giới hạn là các nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, một số khái niệm cần làm rõ, nếu điện tái tạo có sử dụng pin lưu trữ thì coi là điện nền, cần có chính sách giá điện cho loại hình điện tái tạo kết hợp pin lưu trữ vào các khung giờ cao điểm; nghiên cứu thêm giá điện 2 thành phần

Thông báo yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ trong tháng 5.2024.

Có thể bạn quan tâm