Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Nông dân thu nhập cao từ mô hình đa canh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, bà con nông dân xã Tân Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh. Với nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, người dân tránh được vấn nạn “được mùa, mất giá”.
Anh Huỳnh Văn Lộc (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn) là một trong những nông dân trẻ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh. Ảnh: M.K

Anh Huỳnh Văn Lộc (thôn Tiên Sơn 2, xã Tân Sơn) là một trong những nông dân trẻ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh. Ảnh: M.K

Gia đình anh Huỳnh Văn Lộc (thôn Tiên Sơn 2) là một trong những hộ nông dân trẻ tiêu biểu dẫn đầu mô hình đa canh trong nhà màng ở địa phương. Trước năm 2020, gia đình anh chỉ trồng các loại rau ngắn ngày nên cho lợi nhuận không cao. Sau khi tìm hiểu, anh Lộc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng “đa canh, đa cây”. Anh đầu tư hơn 250 triệu đồng lắp đặt hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới, dâu tây và cà chua cherry.

“Tôi canh tác theo hướng hữu cơ. Với 5 sào dâu tây, cà chua cherry và dưa lưới, mỗi năm, gia đình tôi thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Hiện tôi đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng để trồng thêm 2 sào nho mẫu đơn”-anh Lộc cho biết.

Ở thôn Tiên Sơn 1, bà con nông dân cũng đang học tập phương thức sản xuất đa canh của hộ ông Nguyễn Trọng Văn. Từ những kinh nghiệm thực tế của bản thân kết hợp với các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiếp thu được thông qua các chương trình khuyến nông, ông Văn đã mạnh dạn áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích 1,3 ha, ông tiến hành trồng cà phê, hồ tiêu, chanh dây…

Hàng năm, gia đình ông thu về trên 400 triệu đồng. Qua nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp, ông Văn cho rằng sản xuất theo mô hình đa canh là hiệu quả nhất, nếu chú trọng việc chọn cây giống và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Theo ông Văn, mô hình đa canh trên cùng một diện tích phát huy được lợi thế của đất, tận dụng tốt nhất nguồn nước tưới, dinh dưỡng và phân bón; đồng thời, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, giảm thiểu rủi ro khi giá nông sản biến động.

Vườn chanh dây của hộ nông dân Nguyễn Trọng Văn (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn) cho thu nhập cao. Ảnh: Mai Ka

Vườn chanh dây của hộ nông dân Nguyễn Trọng Văn (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn) cho thu nhập cao. Ảnh: Mai Ka

Bà Huỳnh Thị Lệ Huyền-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Sơn-cho biết: Những năm qua, bà con nông dân trong xã có nhiều mô hình hay, cách làm mới trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xu hướng đa canh trong sản xuất nông nghiệp đang được nhiều hộ áp dụng trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nông sản không mấy ổn định. Người dân chuyển sang trồng nhiều loại cây để khi thất bại với cây này còn có cây khác bù đắp. Nếu đa canh mà người dân biết bố trí các loại cây phù hợp với nhiều tầng tán khác nhau sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, phương thức đa canh còn giúp cho việc cải tạo đất tốt hơn, các loại cây tận dụng được nguồn nước, phân bón của nhau, giảm chi phí đầu tư.

“Với thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình đa canh, có thể khẳng định, đây là phương thức sản xuất rất hiệu quả. Việc nhân rộng mô hình này sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân, nhất là hội viên nông dân người dân tộc thiểu số”-bà Huyền nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyên-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh là mô hình được bà con nông dân trên địa bàn xã áp dụng và nhân rộng. Ngoài việc giúp gia tăng năng suất, phương thức sản xuất này còn tận dụng tối đa diện tích canh tác, kết hợp nhiều cây trồng để có giá trị kinh tế cao hơn. Sản xuất đa canh còn hạn chế được tình trạng “mất trắng” khi một trong các loại nông sản mất mùa hay được mùa, rớt giá.

“Việc đa canh thuận theo tự nhiên, hạn chế tối đa sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái đang được địa phương khuyến khích và thu hút nhiều người dân trên địa bàn xã hưởng ứng”-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn thông tin.

Có thể bạn quan tâm