Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá gạo tăng mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá gạo xuất khẩu tăng vọt kéo theo giá gạo trên thị trường nhiều lần điều chỉnh trong khoảng 1 tháng nay với mức tăng 5-20% tùy loại. Với đà tăng này, nhiều ý kiến cho rằng, giá gạo sẽ lập một mức mới sau thời gian dài giữ ổn định, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Giá gạo tăng 5-20%

So với 3 tuần trước, các loại gạo trên thị trường hiện nay có mức tăng 1-3 ngàn đồng/kg, tương ứng tỷ lệ 5-20%. Cụ thể: giá gạo Đông Xuân dao động quanh mức 16-17 ngàn đồng/kg (tăng 3 ngàn đồng/kg); gạo thơm Thái giá 18 ngàn đồng/kg (tăng 2 ngàn đồng/kg); gạo ST25 Sóc Trăng 26 ngàn đồng/kg (tăng 1 ngàn đồng/kg); gạo ST24 Sóc Trăng 22 ngàn đồng/kg (tăng 2 ngàn đồng/kg); gạo thơm Nàng Hoa 18 ngàn đồng/kg (tăng 3 ngàn đồng/kg)…

Giá gạo trên thị trường đang trên đà tăng mạnh. Ảnh: Vũ Thảo

Giá gạo trên thị trường đang trên đà tăng mạnh. Ảnh: Vũ Thảo

Chị Lê Thị Kim Phượng-Chủ cửa hàng gạo 84 Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) cho hay: “Giá gạo tăng khoảng 1-3 ngàn đồng/kg. Đây có thể xem là lần tăng giá mạnh nhất trong 3 năm gần đây, kể từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Giá gạo tăng mạnh chủ yếu ở nhóm các loại gạo thông thường trong tầm giá 13-19 ngàn đồng/kg, còn các loại gạo đặc sản có giá 20-27 ngàn đồng/kg thì có mức tăng ít hơn”.

Theo chị Phượng, ban đầu, các đầu mối chỉ tăng giá nhẹ nên chị vẫn cố gắng kiềm giá để giữ chân khách hàng. Sau đó, cứ vài ngày, đầu mối lại báo tăng giá một lần và mức tăng càng lúc càng nhiều nên buộc chị phải tăng giá bán lẻ theo.

Giá tăng mạnh nhất ở phân khúc gạo thông thường do nhu cầu sử dụng nhiều, sản lượng tiêu thụ lớn, bởi các loại này được dùng phổ biến trong các bếp ăn tập thể của các đơn vị, trường học, quán cơm bình dân, các cơ sở chế biến thực phẩm bằng gạo (bún, phở, bánh...). Bà Phạm Thị Hằng (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) ái ngại: “Gạo là mặt hàng thiết yếu phải sử dụng hàng ngày. Do đó, giá tăng đến 30 ngàn đồng/bao 10 kg là rất cao. Gia đình tôi có 5 người lớn, mỗi tháng ăn hết gần 30 kg gạo. Thay vì mua mỗi lần 1 bao như trước đây, giờ tôi mua luôn để dành ăn trong 1 tháng”.

Giá gạo tăng không chỉ tác động trực tiếp đến chi tiêu ăn uống của người dân mà còn đội chi phí, giảm lợi nhuận của nhiều hàng quán. Bà Lê Thị Nguyệt-chủ một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) chia sẻ: “Hàng ngày, quán sử dụng khoảng 40-50 kg gạo. Không chỉ giá gạo tăng, giá một số loại gia vị cũng tăng đáng kể. Khi tăng giá bán rất dễ bị mất khách nên tôi giảm bớt lợi nhuận để duy trì ổn định giá. Tuy vậy, nếu đà tăng giá gạo chưa dừng lại thì quán cũng sẽ tính đến việc điều chỉnh lên chút đỉnh”.

Đảm bảo bình ổn nguồn cung mặt hàng lúa gạo

Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) cho biết: “Với vùng nguyên liệu hơn 140 ha trồng các giống lúa chất lượng cao (bao gồm cả liên kết sản xuất lúa giống, liên thu mua lúa chất lượng cao), mỗi năm, HTX sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng 400-500 tấn gạo. Sự biến động liên tục của thị trường lúa gạo khiến giá lúa xuất kho tăng hơn 1 ngàn đồng/kg, hiện đang ở mức 8,6-9 ngàn đồng/kg. Từ nửa tháng nay, giá các loại gạo Phú Thiện cũng tăng khoảng 1 ngàn đồng/kg. Đối với các hợp đồng cung ứng gạo cho các đại lý, HTX đang cố gắng hỗ trợ giá nên cũng chỉ tăng nhẹ”.

Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, nhiều loại gạo đang được áp dụng chương trình giảm giá trực tiếp trên sản phẩm nhằm hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, nhiều loại gạo đang được áp dụng chương trình giảm giá trực tiếp trên sản phẩm nhằm hỗ trợ khách hàng. Ảnh: Vũ Thảo

Còn bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku thì thông tin: Mặc dù giá gạo trên thị trường được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 8 nhưng tại Co.op Mart mới chỉ điều chỉnh tăng từ khoảng 1 tuần nay với mức 5-7%. Hiện tại, sức mua các loại gạo thông dụng tại đây ít, khách hàng chủ yếu mua các loại gạo đặc sản như: ST24, ST25.

“Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm, hệ thống Saigon Co.op đã liên kết với các nhà cung cấp luân phiên chạy chương trình giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, trong đó có mặt hàng gạo. Ví dụ như gạo thơm ST25 Neptune loại 5 kg từ 210 ngàn đồng giảm còn 169,5 ngàn đồng/bì; gạo thơm ST21 loại 5 ký từ 130 ngàn đồng/bì giảm xuống còn 112 ngàn đồng/bì; hay gạo thơm phù sa Vua Gạo loại 5 kg từ 138,9 ngàn đồng/bì giảm còn 101 ngàn đồng/bì”-bà Thy nói.

Để bình ổn thị trường, không để thiếu hụt lúa gạo và tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, Sở Công thương vừa có Công văn số 1274/SCT-QLTM về việc phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Công thương đề nghị các sở, ngành liên quan, các hiệp hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, sản lượng lúa gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn cung lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý giá và tình hình giá cả thị trường đối với mặt hàng lúa, gạo trên địa bàn tỉnh; phối hợp trao đổi thông tin về tình hình giá cả thị trường, công tác giám sát, kiểm tra bình ổn thị trường và kết quả xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh lúa, gạo.

Bên cạnh đó, Sở đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động HTX, doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo thực hiện thu mua, duy trì dự trữ hợp lý để sẵn sàng cung ứng ra thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tránh đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm