Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng từ ngày mai 1/9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá gas bán lẻ tại thị trường trong nước tháng 9 tiếp tục tăng theo giá thế giới kể từ ngày mai 1/9. Đây là tháng thứ hai liên tiếp giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng.
Dây chuyền chiết nạp gas tại nhà máy của Công ty liên doanh khí hóa lỏng Thăng Long. Ảnh tư liệu: Hà Thái/TTXVN

Dây chuyền chiết nạp gas tại nhà máy của Công ty liên doanh khí hóa lỏng Thăng Long. Ảnh tư liệu: Hà Thái/TTXVN

Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 9 tại thị trường Hà Nội là 451.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.805.800 đồng/bình công nghiệp 48 kg , lần lượt tăng 3.300 đồng/bình 12 kg và 13.200 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Gas dân dụng và Thương mại - Tổng Công ty Gas Petrolimex, giá gas bán lẻ trong nước tháng 9 tăng từ ngày mai là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 9 ở mức 600 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tháng 8 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng. Ngoài ra, biến động tỷ giá cũng là một nguyên nhân khiến giá gas nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng.

Trong khi đó, giá gas bình Petro VietNam Gas của CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam (PV Gas LPG Miền Nam) tăng 583 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương tăng 7.000 đồng/bình 12 kg và tăng 26.235 đồng/bình 45 kg so với tháng 8/2024.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước có 5 lần tăng, 3 lần giảm giá và 1 lần không thay đổi.

Trên thị trường thế giới, tính đến sáng 31/8 (giờ Việt Nam), giá gas tăng 0,42%, lên mức 2,146 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10/2024.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, mức chênh lệch của hợp đồng tháng 10 so với hợp đồng tương lai tháng 9 năm nay đã thấp hơn so với năm ngoái. Các tín hiệu mức chênh lệch hẹp hơn này gây lo ngại về nguồn cung vào cuối mùa hè, do hoạt động bảo trì ở Na Uy và cuộc xung đột Nga-Ukraine, hiện đang là tâm điểm chú ý của các nhà giao dịch.

Châu Âu hiện đối mặt với thị trường khí đốt thắt chặt hơn khi các nhà khai thác mỏ Na Uy bước vào mùa bảo trì theo lịch trình khiến lưu lượng khí đốt hàng ngày đến châu Âu giảm hơn 10% kể từ đầu tháng 8. Trong khi đó, Na Uy hiện cung cấp khoảng 30% khí đốt tự nhiên của châu Âu sau khi hầu hết các luồng khí đốt của Nga bị thắt chặt. Thêm vào đó, giá khí đốt tương lai được dự báo vẫn tăng khi khả năng gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Ukraine trước khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga hết hạn vào ngày 31 tháng 12 tới đây.

Ngày 28/8 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết người tiêu dùng châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho khí đốt tự nhiên nếu Ukraine không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt để cho phép khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ của họ trên đường đến châu Âu.

Theo Anh Nguyễn (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm