Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá hàng hóa chưa "hạ nhiệt" theo xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giá xăng dầu được điều chỉnh hạ liên tiếp 3 lần với mức giảm gần 7.000 đồng/lít nhưng giá các loại hàng hóa trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. 
Tăng nhanh, giảm chậm
Bà Nguyễn Thị Miên-tiểu thương bán thịt ở chợ Bà Định (TP. Pleiku) cho biết: Cách đây nửa tháng, giá các loại thịt heo đã đồng loạt tăng 10-15 ngàn đồng/kg và hiện vẫn duy trì ở mức này. Cụ thể, thịt ba chỉ đang có giá 120 ngàn đồng/kg, sườn non 150 ngàn đồng/kg, xương 100 ngàn đồng/kg, thịt đùi 110 ngàn đồng/kg… Việc xăng dầu giảm giá không tác động nhiều đến giá thịt heo bởi mặt hàng này phụ thuộc giá heo hơi. Thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến chi phí đầu vào trong chăn nuôi bị đội lên. Cùng với đó, hiện nay, thương lái đang đẩy mạnh thu mua heo để bán qua Trung Quốc khiến nguồn cung khan hiếm hơn. “Khi lò mổ tăng giá thêm 10 ngàn đồng/kg thịt thì chúng tôi chỉ dám tăng 5 ngàn đồng/kg, chấp nhận tự giảm bớt lợi nhuận. Giờ rất nhiều người bán, do đó, giá bán phải cạnh tranh mới mong giữ được khách hàng lâu dài”-bà Miên nói.
Mặt hàng thực phẩm có mức tăng mạnh nhất thời gian qua là hải sản nay bắt đầu giảm khoảng 5-10 ngàn đồng/kg tùy loại. So với đà tăng 10-40 ngàn đồng/kg cách đây nửa tháng, mức giảm này chưa đáng kể. Bà Lê Thị Nhi-tiểu thương chợ Bà Định-cho hay: Giá hải sản vừa phụ thuộc vào giá dầu, vừa phụ thuộc nguồn đánh bắt. Gần đây, giá dầu giảm nên nhiều ghe thuyền đã hoạt động đánh bắt trở lại, rồi chi phí vận chuyển cũng giảm nhẹ nên giá hàng được các vựa điều chỉnh giảm nhưng không đáng kể. “Hy vọng thời gian tới, giá xăng dầu giảm nữa để giá bán đến tay người tiêu dùng thấp hơn, từ đó mới mong tình hình mua bán tốt lên được”-bà Nhi bày tỏ.
Giá heo hơi đang trên đà tăng nên thịt heo bán ra thị trường sẽ khó giảm. Ảnh: Vũ Thảo
Giá heo hơi đang trên đà tăng nên thịt heo bán ra thị trường sẽ khó giảm. Ảnh: Vũ Thảo
Trong khi đó, mặt hàng rau củ chủ yếu sản xuất tại địa phương nhưng giá vẫn còn rất cao. Bà Nguyễn Thị Oai-tiểu thương chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) chia sẻ: “Giá vẫn còn cao là do chi phí phân bón thời gian qua tăng mạnh, cộng với thời tiết mưa gió khiến việc sản xuất của các nhà vườn gặp khó khăn, nguồn hàng ít. Nhiều loại như cà chua, súp lơ giá khá cao và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng. So với mặt bằng chung, rau củ vẫn là mặt hàng có mức tăng thấp nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống. Việc giá hàng hóa cao khiến tình hình mua bán khó khăn hơn, còn người tiêu dùng chỉ biết trông chờ giá sẽ sớm “hạ nhiệt”.
Bên cạnh thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm công nghệ như dầu ăn, sữa, bánh hay hàng hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng là những mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, chi phí nguyên liệu đầu vào trong sản xuất. Khi giá xăng dầu giảm mạnh tác động ngay đến chi phí vận chuyển, nhưng lại chưa tác động ngay đến nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, do thời gian cam kết giá của hợp đồng cung ứng giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, đại lý và cửa hàng nên việc giảm giá chưa thể thực hiện ngay mà cần thêm thời gian.
Trông chờ giá hàng hóa “hạ nhiệt”
Bà Phạm Thị Năm (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) cho hay: “Giá xăng dầu đã giảm rất mạnh nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường như thực phẩm, hàng tiêu dùng còn khá cao. Tôi cũng thắc mắc là khi xăng dầu tăng, lập tức giá hàng hóa được điều chỉnh tăng theo với lý do chi phí vận chuyển cao quá. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá cả hàng hóa vẫn cứ ở mức cao. Hỏi thì người bán chỉ nói là do giá nguyên liệu, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao nên các nhà cung cấp chưa giảm. Vì vậy, họ cũng đang chờ”.
Hàng thực phẩm công nghệ tuy có mức tăng không nhiều nhưng đến nay vẫn chưa hạ theo đà giảm của xăng dầu. Ảnh: Vũ Thảo
Hàng thực phẩm công nghệ tuy có mức tăng giá không nhiều nhưng đến nay vẫn chưa hạ theo đà giảm của xăng dầu. Ảnh: Vũ Thảo
Theo nhận định của ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, ngoài tác động bởi giá xăng dầu thì yếu tố nguyên liệu đầu vào trong sản xuất tăng đã tạo áp lực đẩy giá hàng hóa tăng cao trong thời gian qua. Giá xăng dầu giảm chưa lập tức tác động ngay đến giá cả hàng hóa trên thị trường mà thường có độ trễ và theo chu kỳ sản xuất để điều chỉnh giá mặt hàng bán ra. “Để tăng cường kiểm soát thị trường, các đội quản lý thị trường đã phối hợp với các ban quản lý chợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết. Lực lượng Quản lý thị trường chỉ được kiểm soát đối với những mặt hàng Nhà nước định giá, còn lại giá hàng hóa trên thị trường đều là do sự thỏa thuận, cân đối giữa bên mua và bên bán, theo sự điều tiết cung cầu của thị trường. Trong trường hợp phát hiện người bán găm hàng, tăng giá đột biến, làm lũng đoạn thị trường thì chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định”-ông Hà thông tin.
VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm