Kinh tế

Giá cả thị trường

Giá hồ tiêu tăng, nông dân vẫn chưa có lãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuần qua, giá hồ tiêu tăng lên mức 56.000-58.000 đồng/kg. Giá tăng nhưng nhiều hộ đã bán hết hạt tiêu, trong khi phải đến 3 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch.

Giá tăng nhưng không còn hồ tiêu để bán

Những ngày gần đây, giá hồ tiêu liên tục tăng khiến người dân Gia Lai vừa mừng vừa tiếc. Mừng thì đã rõ, còn tiếc là vì nhiều hộ không còn hạt tiêu để bán. Ông Lê Văn Ngọc (xã Chư Don, huyện Chư Pưh) cho biết: “Gia đình tôi có 900 trụ hồ tiêu. Trong 3 năm qua, tôi cố gắng duy trì vườn hồ tiêu để mong có ngày lên giá. Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch được hơn 2 tấn và đã bán hết với giá 41.000 đồng/kg để lấy tiền tái đầu tư. Vì vậy, dù giá hồ tiêu tăng nhưng tôi chỉ còn biết tập trung chăm sóc vườn cây để chờ vụ sau”.

Người dân huyện Chư Pưh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Sang
Người dân huyện Chư Pưh thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Sang


Tương tự, ông Trần Vĩnh Phong (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho hay: “Với 2.000 trụ hồ tiêu, vụ vừa rồi, tôi thu được gần 6 tấn. Thu hoạch xong chỉ giữ lại 1 tấn, còn lại đã bán hết với giá 37.000 đồng/kg để trả tiền nhân công, phân bón và trang trải cuộc sống. Khi giá tăng lên 50.000 đồng/kg thì tôi đã bán hết số hồ tiêu còn lại. Hiện giá tăng thì không còn tiêu để mà bán. Dù giá hồ tiêu có tăng đến 60.000 đồng/kg thì người trồng hồ tiêu vẫn lỗ. Giá hồ tiêu phải tăng trên 80.000 đồng/kg may ra mới lấy lại vốn và có chút tiền lãi bởi chi phí đầu tư rất cao. Hy vọng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng để vụ tới người trồng hồ tiêu có lợi”.

Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho hay: Vụ mùa vừa rồi, hồ tiêu của Chư Pưh đạt năng suất hơn 6 tấn/ha. Còn vụ năm nay khoảng 3 tháng nữa mới thu hoạch nên chưa biết. Trong tuần qua, giá hồ tiêu liên tục tăng nhưng thực tế người dân hưởng lợi không nhiều, bởi đa phần đã bán hết sau khi thu hoạch để tái đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất ít hộ còn hồ tiêu tích trữ trong nhà. Đây là những hộ có điều kiện nên tích trữ hồ tiêu đợi giá cao sẽ bán.

“Dù giá hồ tiêu đang tăng trở lại nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mà cần tập trung chăm sóc vườn cây để ổn định sản xuất bền vững”-ông Khánh cho biết thêm.

Sản xuất theo hướng bền vững

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh, toàn huyện có trên 1.500 ha hồ tiêu kinh doanh, giảm gần một nửa so với giai đoạn 2015-2016. Còn huyện Chư Sê chỉ còn khoảng 2.500 ha, giảm hơn 700 ha so với trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho rằng: “Hồ tiêu không xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm như trước đây. Tuy nhiên, giá cả thấp nên người trồng hồ tiêu vẫn gặp nhiều khó khăn. Xác định hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của huyện nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn về việc chăm sóc vườn hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Đồng thời, xây dựng mối liên kết sản xuất hồ tiêu giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã; gắn kết các chủ thể trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá cả cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm”.

Người dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy
Người dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy

Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT): Toàn tỉnh hiện có trên 14.200 ha hồ tiêu, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 12.580 ha. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã tập trung vận động người dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Mục tiêu đến năm 2025 vẫn duy trì diện tích hồ tiêu như hiện nay; trong đó, tập trung sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt để sản xuất an toàn, bền vững.

Theo ông Nguyễn Long Khánh, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Chư Pưh đã xây dựng các liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất trên những cây trồng chủ lực như: hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả… Còn diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết, người dân không nên tái canh mà chuyển sang trồng các loại cây trồng khác như: cây ăn quả, bắp, rau màu... để bảo đảm cuộc sống.

Trong đó, huyện tập trung xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh để liên kết sản xuất hồ tiêu và tìm đầu ra sản phẩm; hướng dẫn người dân sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm đầu ra ổn định. Đồng thời, huyện mời các doanh nghiệp tham gia để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết như: đầu vào, thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá ổn định.

Liên quan đến việc hồ tiêu tăng giá, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-nhận định: Với giá hồ tiêu như hiện nay thì nông dân vẫn chưa có lãi. Vụ thu hoạch tới, Gia Lai nói riêng và các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước nói chung nhiều khả năng sẽ mất mùa. Nguyên nhân chủ yếu do giá hồ tiêu xuống thấp nên người dân bỏ bê không chăm sóc, cùng với diễn biến thời tiết bất lợi nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây hồ tiêu.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân nếu muốn mở rộng diện tích hồ tiêu thì trước hết phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ, chọn vùng đất thích hợp để trồng và phải có đủ nguồn lực phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ người dân đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng bền vững gắn với khâu chế biến, thị trường tiêu thụ”-ông Bính cho hay.

NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm