Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Gia Lai: 15.687 đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 20-10, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 14.934 điểm cầu toàn quốc với hơn 1,2 triệu đại biểu tham dự. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị.

z5948143913563-dcdc747e85b9a73edb5edb046abe896f-7191.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Đ.T

Tại Gia Lai, hội nghị kết nối đến 242 điểm cầu từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn với 15.687 đại biểu. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tham dự hội nghị có các đồng chí nguyên Bí thư, Phó bí thư, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ, sĩ quan cấp tướng đã nghỉ hưu hiện đang sinh sống tại TP. Pleiku; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các hội đặc thù ở cấp tỉnh; lãnh đạo các Đảng ủy: Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên Tỉnh ủy khóa XVI (hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh); trưởng, phó các phòng chuyên môn thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Nguyễn Xuân Thắng-Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt chuyên đề: “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIV của Đảng và dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận, cơ bản tán thành kết cấu và những nội dung chính của Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIV; phân tích, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm ý nghĩa, chủ đề của Đại hội XIV; khẳng định Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIV có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất Cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn mới; đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Về Dự thảo báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, đây là báo cáo rất quan trọng, góp phần hoàn thiện lý luận của Đảng ta về đổi mới, phát triển đất nước trong 40 năm qua; từ đó tiến hành xây dựng phương hướng, quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.

z5948143913596-7a950a486b9dc6b9f3e45a546c5a2bf2-4641.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Đ.T

Tiếp đến, đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ truyền đạt chuyên đề: “Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 và về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương”. Trong đó đề cập về bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước; công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; dự kiến kết quả 5 năm 2021-2025 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức và nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm; một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2025, giai đoạn 2026-2030 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Về dự kiến kết quả 5 năm 2021-2025 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. GDP bình quân đầu người tăng từ khoảng 3.700USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025, tăng 37,1% so với năm 2021.

Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án để hiện thức hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc-Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Đồng chí Lê Minh Hưng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề: ‘Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội XIII và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng”.

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là công việc quan trọng; là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định mục tiêu, yêu cầu công tác nhân sự Đại hội XIV, trong đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước phải là một tập thể trong sạch, vững mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực lãnh đạo và uy tín; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

z5949008426813-b2b025f44504a1ff52f8894aae7cd270-7938.jpg
Các đại biểu nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: P.D

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, việc đưa nghị quyết của Đảng tới từng chi bộ, từng đảng viên, ngấm sâu và hòa vào thực tiễn cuộc sống đặt ra rất khẩn trương, cấp bách, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tạo thành khối thống nhất về ý chí và hành động, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, nỗ lực cao với những bước đi bài bản, chính xác, tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, huy động cao nhất mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các chủ trương, phương hướng chiến lược mà Trung ương Đảng thống nhất hoạch định.

Qua hội nghị cũng nhằm trao đổi, thảo luận, tạo thống nhất cao về nhận thức, là tiền đề để thống nhất về hành động trong toàn hệ thống chính trị theo mục tiêu đã định.

Về một số nội dung trọng tâm tập trung quán triệt, triển khai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Đây là yêu cầu của Trung ương, là chỉ tiêu pháp lệnh, cần nỗ lực cao nhất, tập trung mọi biện pháp, nguồn lực để thực hiện cho được. Cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu đi đầu và chịu trách nhiệm thực hiện. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải khẩn trương rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa để tập trung hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất.

Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải thực sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung triển khai ngay một số đột phá chiến lược đã được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV. Yêu cầu các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, quy trình với tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, mở rộng không gian cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tất cả về sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của đất nước, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Cùng với các giải pháp cụ thể phù hợp thực tiễn để huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân. Các địa phương đánh giá thấu đáo khả năng tự chủ, tự cường để đề xuất cụ thể việc phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển

Về các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và văn kiện đại hội XIV của Đảng. Cấp ủy các cấp có kế hoạch cụ thể, tập trung nghiên cứu để thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Trọng tâm là vấn đề quản trị quốc gia và quản trị địa phương; tính cấp bách, nội hàm quản trị địa phương để nâng cao năng lực tự lực, tự cường. Mối quan hệ giữa tư duy quản lý và tư duy phát triển từ thực tiễn công tác bộ, ngành, địa phương. Cách thức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm hiệu quả, chống lãng phí. Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng Luật, cơ quan làm luật. Vấn đề đúng vai, thuộc bài trong thực hiện “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; chính sách an sinh xã hội đi đôi với phát triển kinh tế xã hội.

Đại hội đảng bộ các cấp tập trung chuẩn bị tốt nhất nhân sự, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng, sau hội nghị, với những tư duy, nhận thức mới đã thấu suốt, với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động, sẽ khơi thông mọi nguồn lực, huy động cao nhất sức người, sức của, tiếp tục tạo dựng những nền tảng mới cho sự phát triển đột phá của đất nước trong những năm tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm