Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Ao hồ cạn kiệt, mía, tiêu cùng "tiêu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến thời điểm này, nhiều địa phương ở Gia Lai đã xuất hiện tình trạng khô hạn, ảnh hưởng đến các loại cây trồng như lúa nước, hồ tiêu… Đặc biệt diện tích mía bị giảm năng suất 20 – 30% nên nhiều người trồng mía không có lãi.
Mặc dù mùa khô chưa đến đỉnh điểm, nhưng nhiều địa phương ở Gia Lai bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nước, nhiều cánh đồng trở nên khô khốc, nhiều ao hồ cạn kiệt.
Nhìn mảnh vườn khô hạn, anh Rơ Lan Jinh (làng Sul, xã Kông Htôk, huyện Chư Sê) buồn rầu nói: “Do không có nước tưới, 500 trụ tiêu của tôi đành để vậy chờ chết, 4 sào lúa cũng đang thiếu nước. Nguồn nước thủy lợi thì vẫn có, nhưng gia đình không có tiền đầu tư máy bơm, đường ống dẫn nước nên chỉ biết nhờ trời”.
Cách đó không xa, anh Đinh Mơ cũng đứng ngồi không yên vì thiếu nước, khi 5 sào hồ tiêu của gia đình đã bị chết…
 
 Hàng nghìn hécta mía ở các huyện phía Đông Gia Lai bị hạn nặng.  l.K
Đối với cây mía, theo thống kê của 2 nhà máy đường lớn nhất Gia Lai, do nắng hạn nên vụ mía năm nay sản lượng thiếu hụt từ 15 - 25% khiến nhà nông thất thu, nhà máy không đạt kế hoạch sản xuất. Theo đại diện Nhà máy đường An Khê, sản lượng mía toàn vùng nguyên liệu giảm năng suất 20 - 30% (tương đương 450.000 - 500.000 tấn), với giá mía hiện nay 700 - 800.000 đồng/tấn thì nông dân đã mất hàng trăm tỷ đồng.
Nông dân Trần Văn Nguyên (thôn Phù Tiên, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng 10ha mía, đầu tư 300 triệu đồng, nhưng do nắng hạn làm mất khoảng 30% sản lượng. Do vậy, trừ hết chi phí, nhà tôi chỉ huề vốn, coi như làm không công”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm 2018 – 2019 xuất hiện trạng thái El Nino yếu và kéo dài cho đến giữa năm 2019. Do đó lượng mưa trong các tháng 2, 3, 4 thấp hơn trung bình nhiều năm, lưu lượng dòng chảy tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nơi xảy ra cạn kiệt nguồn nước kéo dài. Riêng tại Gia Lai, 2 xã có khả năng xuất hiện hạn nặng là Kông Htôk (huyện Chư Sê) và Chư Rcăm (huyện Krông Pa).
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Gia Lai cho biết: “Nhìn chung, các hồ đập lớn vẫn đảm bảo khả năng cung cấp nước trong mùa khô, riêng ở những vùng hồ cạn, suối thì nguồn nước bắt đầu khô kiệt. Trước tình hình trên, Chi cục đã có khuyến cáo các giải pháp chống hạn gửi các địa phương để có biện pháp điều phối, tưới tiêu hợp lý tránh thiệt hại cho cây trồng.
Lê Kiến (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm