Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gia Lai: Báo động tình trạng xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải ở phia đông tỉnh Gia Lai không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Bất chấp bảng hạn chế tải trọng phương tiện, nhiều xe chở nguyên liệu mía quá tải vẫn vô tư lưu thông. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Bất chấp bảng hạn chế tải trọng phương tiện, nhiều xe chở nguyên liệu mía quá tải vẫn vô tư lưu thông. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)


Cứ vào vụ ép mía, khắp các ngả đường đổ về các nhà máy đường tại Gia Lai nườm nượp xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải.

Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Vấn nạn xe quá khổ, quá tải

Những ngày này, khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai bước vào giai đoạn cao điểm vụ thu hoạch mía, khắp các cung đường dẫn về Nhà máy Đường An Khê có thể dễ dàng bắt gặp hàng đoàn xe chở nguyên liệu mía ì ạch tới nhà máy. Nhiều tuyến đường trở nên xấu đi mỗi khi vụ mía mới bắt đầu.

Tại tuyến tỉnh lộ 667 nối huyện Kông Chro và thị xã An Khê, trong sáng 13/1, hàng chục chuyến xe chở nguyên liệu mía ngang nhiên hoạt động. Để chở được nhiều, các xe này hàn thêm khung, nâng cao thùng.

Thậm chí, nhiều xe còn được độ chế dàn khung trùm lên nóc cabin, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Mặc dù, việc sắp xếp mía đã gọn gàng hơn trước nhưng các xe chưa thực hiện nghiêm chở đúng tải trọng xe.

Ông Nguyễn Mại, người dân tại thị xã An Khê, cho biết xe chở mía quá khổ, quá tải diễn ra thường xuyên khiến việc lưu thông của người dân rất khó khăn.

Tại Trạm cân nguyên liệu đầu vào của Nhà máy Đường An Khê, qua quan sát số liệu hiện thị trên bảng cân điện tử, các xe chở mía có tổng tải trọng 50 tấn, thậm chí gần 60 tấn là rất phổ biến. Trong khi theo quy định, tổng tải trọng đối với các phương tiện này không được quá 30 tấn. Điều này cho thấy, nhiều xe tải đã chở quá gấp 2 lần tải trọng cho phép.

Việc chở quá tải trọng diễn ra thường xuyên, liên tục khiến hệ thống giao thông tại khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với đó, vào các giờ cao điểm tập kết nguyên liệu trong ngày, hàng đoàn xe tải quá khổ, quá tải đua nhau tiến về nhà máy khiến nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Mỗi khi lưu thông qua khu vực đường dẫn vào nhà máy mía chúng tôi rất lo lắng. Người dân mong muốn lực lượng chức năng có hướng xử lý để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây” - một người dân cho biết.

Ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, nhiều xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải về nhà máy đường của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng ngang nhiên hoạt động, bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài.

Và câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”

Tình trạng xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường diễn ra trong những năm qua và đã trở thành vấn nạn tại Gia Lai. Thế nhưng đến nay, lực lượng chức năng của địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

 

 Hàng đoàn xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải về Nhà máy Đường An Khê. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Hàng đoàn xe chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải về Nhà máy Đường An Khê. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)


Thực tế tại nhiều tuyến đường như tuyến tỉnh lộ 667 từ huyện Kông Chro đến thị xã An Khê; tuyến đường Đông Trường Sơn, nối huyện Kông Chro với Quốc lộ 19..., phóng viên ghi nhận sự có mặt của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông… nhưng hàng đoàn xe chở nguyên liệu mía vẫn "vô tư" lưu thông qua chốt.

Tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vào cao điểm vụ thu hoạch mía, mì (sắn) mỗi năm trở nên phổ biến tại các vùng nguyên liệu phía Đông của tỉnh Gia Lai. Tại những vùng nguyên liệu càng xa nhà máy, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải càng nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để dù trên các cung đường luôn có sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” đang được nhiều người dân đưa ra để ví von cho tình trạng này.

Theo Quang Thái (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm