(GLO)- Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2022 đến nay, Gia Lai ghi nhận gần 200 ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em, hầu hết trong nhóm tuổi từ 0 đến 5 tuổi.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Bệnh tay chân miệng ghi nhận tại 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đây là bệnh lưu hành quanh năm và lây truyền qua đường tiêu hóa, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Thông thường, bệnh tay chân miệng gia tăng từ tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên hiện nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận số ca bệnh tay chân miệng tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo, dịch bệnh tay chân miệng sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi trẻ bước vào năm học mới, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, một phần do môi trường sinh hoạt, học tập chung và trẻ chưa thực hành tốt kỹ năng phòng bệnh...
Để chủ động phòng-chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị chính quyền địa phương, các cấp, ngành phối hợp cùng với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh mùa hè, trong đó có dịch bệnh tay chân miệng. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Khi phát hiện các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em như sốt, đau họng, ngủ hay giật mình, nổi bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng… cần cách ly trẻ để tránh lây lan và cho trẻ thăm khám kịp thời, điều trị tránh các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.
NHƯ NGUYỆN