Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì buổi sinh hoạt. Tham dự sinh hoạt có ông Lê Anh Tuân-Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cùng đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Văn hoá-Xã hội HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội viên của Câu lạc bộ Trí thức Khoa học Công nghệ tỉnh.
Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề Câu lạc bộ Trí thức Khoa học Công nghệ. Ảnh: Lạc Hà |
Tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 2 dân tộc tại chỗ (Jrai và Bahnar) còn bảo lưu nhiều nét văn hóa cổ truyền. Mỗi dân tộc sinh sống ở những khu vực riêng biệt, tương đối độc lập. Đây chính là điều kiện để văn hóa của các dân tộc này ít bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các dân tộc khác. Đặc biệt, Gia Lai có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh…
Tuy nhiên, chặng đường để biến tiềm năng thành nguồn lực, tài nguyên phục vụ du lịch văn hóa theo hướng công nghiệp văn hoá không hề dễ dàng. Do đó, cần sự hiểu biết thấu đáo và có các giải pháp phù hợp.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã đưa ra một số giải pháp để biến di sản văn hóa các dân tộc tại chỗ của Gia Lai thành nguồn lực cho phát triển du lịch văn hóa bền vững như: Phát hiện di sản đủ sức hấp dẫn; bảo tồn, tôn tạo thường xuyên để di sản phát triển; đưa di sản có giá trị phục vụ du lịch vào quy hoạch các cụm, tuyến du lịch của địa phương; đào tạo nhân lực biết khai thác di sản văn hoá một cách sáng tạo, có khả năng thương mại hóa các di sản; sát cánh cùng những người được coi là “linh hồn” của di sản để giữ cho di sản ngày càng phát triển.
Cùng với đó, chính quyền các cấp và ban ngành liên quan cần quan tâm tạo điều kiện cho các dự án di sản văn hóa gắn với du lịch triển khai; việc đầu tư cho di sản cần nắm vững nguyên tắc bảo tồn những giá trị văn hóa cốt lõi của di sản; quan tâm giáo dục để người dân có ý thức chung tay xây dựng thương hiệu du lịch nói chung, du lịch văn hóa trên cơ sở văn hóa tộc người nói riêng…
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã có nhiều góp ý, nêu giải pháp để phát huy các tiềm năng du lịch như: đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng bảo tồn giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; khai thác di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch; phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch bền vững.