Sức khỏe

Gia Lai cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại Gia Lai, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt thấp do thiếu vắc xin, trong khi đó, bệnh lây truyền qua động vật kiểm soát chưa chặt chẽ đã làm gia tăng nguy cơ nguy cơ mắc bệnh và bùng phát.

Thực trạng này đòi hỏi trách nhiệm của ngành Y tế và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương trong tỉnh.

Dịch bệnh diễn biến khó lường

Thông tin từ Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và Việt Nam trong năm 2024 sẽ còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân. Tại khu vực phía Nam, bệnh tay chân miệng có thể tiếp tục ghi nhận tuýp vi rút EV71 gây bệnh do chu kỳ dịch kéo dài 2 năm liền kề; bệnh lây truyền qua động vật có nguy cơ cao, có thể xuất hiện trở lại bất cứ khi nào. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 vẫn khó lường, chưa mang tính ổn định về xu hướng và tác nhân vi rút. Các tác nhân gây viêm đường hô hấp cũng có xu hướng khó dự đoán; HIV có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch trong năm 2024.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: N.N

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: N.N

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam, Gia Lai tiếp giáp và có sự giao thương với các tỉnh duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia. Vì thế, nguy cơ lây truyền của các loại dịch bệnh khác nhau rất lớn, từ những bệnh dịch lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... đến các bệnh dự phòng bằng vắc xin như: bạch hầu, uốn ván... và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với trẻ em. Tính đến hết quý I-2024, toàn tỉnh ghi nhận 288 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 56 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (chủ yếu trẻ dưới 5 tuổi); 2 trường hợp mắc bệnh sởi và 1 ca rubella. Về dịch bệnh cúm A, 3 tháng đầu năm, Gia Lai chưa ghi nhận trường hợp mắc ở người. Bệnh dại ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại huyện Chư Sê và Đức Cơ.

Nguy cơ gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đang hiện hữu, nhất là khi trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp do thiếu vắc xin. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Gia Lai chỉ đạt 52,9%, thấp hơn năm 2022 (năm 2022 đạt 69,1%) và thấp hơn chỉ tiêu yêu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), MR (sởi, rubella), viêm não Nhật Bản cho trẻ trên 12 tháng đều thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 4,6%.

Chủ động giám sát, phòng-chống dịch bệnh

Vừa qua, huyện Đức Cơ đã kịp thời xử lý dứt điểm và không để bệnh sởi lây lan trên địa bàn. Ông Rơ Mah Thương-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ-thông tin: Trong tháng 3-2024, huyện phát hiện 2 ca bệnh sởi và 1 ca nhiễm rubella (dưới 8 tuổi), là anh em trong gia đình tại thôn Đoàn Kết (xã Ia Dơk). Ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh, ngành Y tế đã lập tức khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan và bùng phát.

Tình trạng thiếu các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin sởi, vắc xin 5 trong 1 đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ tiêm chủng, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng. Theo thống kê, năm 2023, huyện Đức Cơ có 723/1.350 trẻ đã tiêm vắc xin sởi, đạt 53,6%. Riêng tại xã Ia Dơk có 69/140 trẻ tiêm vắc xin sởi, đạt 50,4%. Từ đầu năm đến tháng 2-2024, có 265/1.408 trẻ tiêm vắc xin sởi, đạt 18,82%; trong đó, xã Ia Dơk tiêm 25/142 trẻ, đạt 17,6%. “Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ đã rà soát, đánh giá tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi; tiến hành tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin sởi tại vùng nguy cơ; tiến hành khử khuẩn khu vực nhà bệnh nhi và khu vực xung quanh; tuyên truyền tới từng hộ dân về bệnh sởi: cách nhận biết và các biện pháp phòng-chống; tăng cường các hoạt động giám sát bệnh; thường xuyên đánh giá nguy cơ để có phương án phòng-chống dịch bệnh kịp thời và hiệu quả. Đến nay, huyện không ghi nhận thêm ca mắc sởi mới”-ông Thương nói.

Ông Vũ Chí Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa-cho hay: Tình hình dịch bệnh trên địa bàn khá phức tạp, dịch bệnh mới luôn tiềm ẩn nguy cơ, dịch bệnh cũ có thể xảy ra, nhất là khi tỷ lệ tiêm 8 loại vắc xin đủ liều cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt thấp; trong đó, năm 2023 chỉ đạt 51,7%… Vì vậy, địa phương luôn chủ động giải pháp phòng-chống dịch bệnh. Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch và triển khai cho các đơn vị trực thuộc chủ động phòng-chống các loại dịch bệnh. Ngành Y tế cũng tăng cường giám sát tại cộng đồng dựa trên các ổ dịch cũ như bạch hầu, sốt xuất huyết… nhằm phát hiện sớm để điều trị kịp thời, khoanh vùng xử lý, hạn chế lây lan. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường và xử lý ổ dịch theo quy định.

Nhân viên y tế tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện

Nhân viên y tế tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện

Không để dịch chồng dịch

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; kế hoạch triển khai các biện pháp phòng-chống dịch cúm A ở người; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, dịch cúm gia cầm ở người và các bệnh truyền nhiễm khác.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam cho biết: Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ phương tiện vật tư, hóa chất, nhân lực để tập trung xử lý triệt để ổ dịch, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng các mũi vắc xin phòng bệnh cho trẻ em ngay khi có vắc xin, tạo miễn dịch cho trẻ để phòng các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh trong Nhân dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Ngoài ra, Sở chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch tại cơ sở khám-chữa bệnh; tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, điều trị, trang-thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ công tác điều trị bệnh. Triển khai phân tuyến thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo; không lơ là, chủ quan để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện cách ly, điều trị bệnh nhân theo quy định.

Có thể bạn quan tâm