Bạn đọc

Gia Lai: Chấn chỉnh công tác giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 21-9, UBND tỉnh có Công văn số 1374/UBND-NC về việc chấn chỉnh trong công tác giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Thời gian qua, việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp thường kỳ của HĐND đã được các đơn vị, địa phương thực hiện, tham mưu cho UBND tỉnh trả lời và giải quyết các kiến nghị cử tri đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; nội dung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban ngành và đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Cử tri Lương Quang Thủy (thôn 10, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) kiến nghị cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong nước - Ảnh Thiên Di
Ngày 15-5-2021, trong buổi tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) tại huyện Ia Grai, cử tri Lương Quang Thủy (thôn 10, xã Ia Tô) kiến nghị cần tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong nước.  Ảnh Thiên Di



Nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết, chỉ đạo giải quyết và tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị và trả lời kiến nghị cử tri. Các đơn vị, địa phương nghiêm túc quán triệt, chấn chỉnh trong công tác giải quyết và tham mưu giải quyết kiến nghị cử tri. Kết quả giải quyết kiến nghị, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về tình hình, tiến độ giải quyết kiến nghị cử tri và chất lượng tham mưu UBND tỉnh giải quyết kiến nghị cử tri là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc tỉnh và địa phương.

Đối với các kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao nghiên cứu, tham mưu giải quyết: Các cơ quan, đơn vị địa phương phải xác định đúng trọng tâm, trọng điểm của nội dung kiến nghị, xác định lộ trình và thời gian cần thiết để xử lý kiến nghị, để tham mưu UBND tỉnh trả lời đúng nội dung, đảm bảo chất lượng giải quyết, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri (tránh tham mưu trả lời chung chung, không rõ kết quả kiểm tra, không xác định được trách nhiệm của cơ quan thực hiện, không có số liệu để thuyết minh, minh chứng cho quá trình giải quyết kiến nghị). Trong quá trình giải quyết, tham mưu giải quyết, các cơ quan, đơn vị địa phương phải trực tiếp kiểm tra, xác minh tình hình thực tế, nội dung cụ thể của kiến nghị để xác định đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, dự kiến chính xác thời gian cần để hoàn thành việc giải quyết nhằm tránh việc trả lời cử tri không đảm bảo thời gian, chất lượng giải quyết và ảnh hưởng việc theo dõi kiến nghị cử tri của đại biểu HĐND và cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát kiến nghị cử tri.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương hoặc kiến nghị có nội dung phải chờ có ý kiến của Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương thì các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và tham mưu UBND tỉnh báo cáo cho Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh biết, theo dõi để trả lời đến cử tri.

Đối với các kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện: Khi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ giải quyết kiến nghị, UBND cấp huyện phải có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết, báo cáo kết quả thực hiện về HĐND cấp huyện và phải có văn bản thông báo kết quả giải quyết của UBND cấp huyện đến cử tri trên địa bàn biết, theo dõi việc thực hiện. Đồng thời, báo cáo kết quả về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Đối với các kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: Cơ quan được giao chủ trì phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để cùng giải quyết hoặc tham mưu giải quyết; các cơ quan, đơn vị phối hợp phải tham gia ý kiến giải quyết bằng văn bản cho cơ quan chủ trì để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trường hợp các cơ quan, đơn vị phối hợp không tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến chậm trễ thời gian thì cơ quan chủ trì chủ động tham mưu giải quyết các ý kiến, kiến nghị được giao, đồng thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị được xin ý kiến nhưng không trả lời hoặc chậm trả lời.

Trong công tác theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cử tri: Cơ quan, đơn vị được giao chủ trì giải quyết có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; đảm bảo tiến độ, thời gian hoàn thành và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh đối với các kiến nghị giải quyết kéo dài, không dứt điểm.

Việc tham dự các cuộc họp của các Ban HĐND tỉnh trong thẩm tra việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị: Khi được UBND tỉnh giao dự họp thì các đơn vị, địa phương phải cử lãnh đạo cơ quan, đơn vị tham dự, chuẩn bị nội dung liên quan và có trách nhiệm giải trình, thuyết minh các ý kiến tại buổi thẩm tra về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị, đồng thời trực tiếp chịu trách nhiệm về các nội dung báo cáo, giải trình tại cuộc họp. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng cử người không đúng thành phần hoặc cử người không theo dõi công việc dự họp làm ảnh hưởng đến quá trình thẩm tra kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh.

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm