Sức khỏe

Gia Lai chiếm trên 50% ca bệnh sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 13-7, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng-chống sốt suất huyết cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông.

Tham dự Hội thảo có đại diện WHO, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa thuộc 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak và Đak Nông. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-7.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Như Nguyện

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên báo cáo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại khu vực Tây Nguyên năm 2022, 2023; bài thuyết trình của đại diện WHO về công tác phòng-chống SXH; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên giới thiệu định hướng một số thay đổi trong hướng dẫn giám sát phòng-chống SXH. Các đại biểu cũng được nghe báo cáo kết quả phòng-chống SXH, những khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm năm 2022, 2023 tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak và Đak Nông.

Hội thảo dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm khắc phục các khó khăn, tồn tại trong công tác phòng-chống SXH, đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, 6 tháng đầu năm 2023, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak và Đak Nông đã ghi nhận 2.402 ca mắc SXH, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu năm 2022, Gia Lai và Đak Lak chiếm 80% ca bệnh SXH của khu vực Tây Nguyên thì 6 tháng đầu năm 2023, Gia Lai chiếm hơn 50% ca bệnh SXH của khu vực Tây Nguyên.

Hiện công tác phòng- chống SXH tại khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức; trong đó, điều kiện kinh tế, địa bàn rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh tăng lưu lượng giao thông, biến đổi khí hậu, nhận thức của người dân còn hạn chế; hệ thống y tế tại tuyến cơ sở còn yếu về chuyên môn và thiếu về năng lực; thiếu kinh phí cho công tác y tế dự phòng. Ở các cấp một số địa phương, chính quyền còn chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng-chống dịch tại cộng đồng; hóa chất, sinh phẩm không được cung cấp kịp thời do khó khăn trong thủ tục mua sắm; máy phun hư hỏng… đã ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng-chống SXH.

Đại diện WHO trình bày bài thuyết trình về công tác phòng-chống SXH. Ảnh: Như Nguyện

Đại diện WHO trình bày bài thuyết trình về công tác phòng-chống SXH. Ảnh: Như Nguyện

Để công tác phòng-chống SXH hiệu quả hơn, Tiến sĩ Bùi Khánh Toàn-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị trong thời gian tới, công tác phòng-chống SXH cần tập trung một số trọng tâm, đó là tăng cường công tác chỉ đạo, tham mưu Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn giám sát mới; các địa phương chủ động kế hoạch triển khai phòng-chống dịch; tăng cường công tác tập huấn; tăng cường giám sát ca bệnh, huyết thanh vi rút, véc tơ; điều tra ổ bọ gậy, nguồn; xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông cộng đồng và huy động đoàn thể xã hội hóa trong công tác phòng-chống SXH.

Có thể bạn quan tâm