Gia Lai chủ động phòng ngừa nCoV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm chủ động phòng-chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra, ngành Y tế tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tập trung triển khai phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, ngành cũng đã tăng cường công tác truyền thông lưu động đến mọi người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh.

 

Tập trung vệ sinh môi trường

Trường Mầm non 20/2 (Binh đoàn 15) là đơn vị đầu tiên trên địa bàn TP. Pleiku triển khai phun thuốc khử khuẩn, tổng vệ sinh môi trường. Bà Đinh Thị Thanh-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Nhà trường đã liên hệ với Bệnh viện Quân y 15, Ban Quân y Binh đoàn 15 để phun thuốc cho  trường ngay sau khi các cháu nghỉ học vào ngày 3-2. Sau khi phun thuốc, nhà trường tổng vệ sinh trong và ngoài lớp sạch sẽ, sau đó vệ sinh tất cả đồ dùng, dụng cụ một lần nữa bằng dung dịch Cloramin B sát khuẩn.

Theo kế hoạch, trong tuần này, công tác phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường tập trung ưu tiên cho các khu vực trọng điểm như: Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Cảng Hàng không Pleiku, 3 huyện biên giới (Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ), Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số trường học. Trong ngày 5-2, TP. Pleiku và một số huyện cũng đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại các địa điểm công cộng. Ông Nguyễn Tự Tín-Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-thông tin: “Ngay trong sáng 5-2, Trung tâm đã tiến hành phun thuốc khử khuẩn tại Khu Lâm viên Biển Hồ, Công viên Diên Hồng và một số nơi đông người qua lại. Trong ngày 6-2, chúng tôi tiếp tục triển khai phun hóa chất ở một số trường học tại khu vực trung tâm”.

 Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn, hướng dẫn người dân trong phòng-chống dịch bệnh nCoV. Ảnh: N.N
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn, hướng dẫn người dân trong phòng-chống dịch bệnh nCoV. Ảnh: N.N



Theo ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, việc phun hóa chất khử khuẩn sẽ ưu tiên một số nơi trọng điểm, các trường mầm non ở khu vực đông dân cư. Các trường học khác sẽ được triển khai phun sau. “Sau khi cho học sinh tạm nghỉ học 1 tuần, các trường học đã bắt đầu dọn vệ sinh tổng thể. Đây là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện tại nhằm chủ động phòng-chống dịch bệnh nCoV, bệnh tay chân miệng và các bệnh cảm cúm khác”-ông Nam nói.

Nâng cao kiến thức phòng-chống bệnh

Những ngày gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khá đông người có nhu cầu xét nghiệm máu do chưa hiểu đúng về dịch bệnh nCoV. Chỉ riêng ngày 3 và 4-2, có gần 100 người tìm đến Khoa Cấp cứu đề nghị xét nghiệm máu xem mình có bị nhiễm nCoV hay không khiến các bác sĩ, điều dưỡng rất vất vả để giải thích, tư vấn. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Sương (Khoa Cấp cứu) cho biết: “Chưa khi nào nhu cầu xét nghiệm máu tăng cao như thời điểm này. Chúng tôi phải phối hợp với các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới cùng hướng dẫn, tư vấn cho người dân hiểu đúng về dịch bệnh”.

Trong thời điểm dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp như hiện nay, thêm vào đó là nhiều luồng thông tin không chính xác, sai lệch khiến người dân hoang mang. Bác sĩ Sô Song Hương Ly-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khẳng định: Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không làm xét nghiệm này mà chỉ các trung tâm cao cấp như Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh hay các bệnh viện tuyến Trung ương mới làm được. Do vậy, chỉ những người về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) hoặc những vùng có dịch và có triệu chứng sốt, ho, khó thở thì mới thực hiện cách ly và lấy mẫu để làm xét nghiệm chẩn đoán.

Bác sĩ Ly cũng khuyến cáo: Những người về từ TP.Vũ Hán hoặc vùng có dịch, có tiếp xúc gần với người mắc bệnh nCoV thì trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… cần đến ngay bệnh viện để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để phòng-chống dịch, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh môi trường sạch sẽ; sử dụng thực phẩm an toàn.

 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm