(GLO)- Hiện nay, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ở Gia Lai đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân đẩy mạnh giải pháp phòng trừ và hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá vi rút hại mì.
Bệnh khảm lá vi rút hại mì xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2018 với diện tích 141 ha, đến năm 2019 tăng lên 4.224 ha. Năm nay, toàn tỉnh có gần 1.250 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên giống mì: HL-S11, KM419, KM140, KM98-5. Tuy nhiên, công tác phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại mì đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho biết: Thời gian qua, giá mía giảm nên người dân chuyển đổi sang trồng mì. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn giống nên nhiều hộ dân mua phải cây giống không rõ nguồn gốc có chứa mầm bệnh. Nhiều hộ còn để lại giống bị bệnh cho vụ sau hoặc bán giống cho người khác.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Văn Hoan-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh-cho hay: “Công tác quản lý giống mì còn nhiều hạn chế, bất cập. Địa phương không triển khai kiểm dịch thực vật nội địa nên khó khăn trong việc quản lý giống cây trồng nhập vào địa bàn, nhất là đối với các cơ sở buôn bán giống lưu động. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra một số dịch bệnh trên cây trồng hiện nay. Ngoài ra, một số người dân không chủ động tiêu hủy diện tích mì bị nhiễm bệnh, thậm chí còn gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong công tác tiêu hủy”.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê: “Qua khảo sát thực tế hiện nay cho thấy, chỉ có giống KM94 là ít bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Để hạn chế phát sinh bệnh khảm lá vi rút hại mì, ngành chức năng cần siết chặt quản lý giống ngay từ đầu vào. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT cần thông báo những địa chỉ cung ứng giống chất lượng để người dân mua giống sạch bệnh”.
Ông Thành cũng đề xuất cơ quan chuyên môn của tỉnh cần sớm nghiên cứu các giống có thể kháng được bệnh để thay thế những giống bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến mì cần phối hợp với địa phương và người dân trong phòng trừ bệnh.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện hướng dẫn người dân nhổ bỏ cây mì bị bệnh khảm lá. Ảnh: Lê Nam |
Trong khi đó, ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-đề xuất: Để hạn chế triệt để nguồn lây bệnh thì cần áp dụng biện pháp luân canh sang cây trồng khác hoặc giao các hợp tác xã quản lý, cung ứng giống cho người dân dưới sự giám sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Cần tăng cường công tác quản lý giống và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của bệnh khảm lá vi rút hại mì, áp dụng biện pháp phun thuốc phòng trừ môi giới gây bệnh là bọ phấn trắng bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefuran, Pymetrozine.
Đối với số diện tích mì bị nhiễm bệnh nhẹ, bà con nông dân cần nhổ bỏ số cây bị nhiễm bệnh, tiếp tục chăm sóc số cây còn lại, thu hoạch sớm, sau đó tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng. Đối với diện tích mì bị nhiễm bệnh nặng phải tiến hành tiêu hủy toàn bộ và áp dụng biện pháp luân canh sang cây trồng khác.
“Hiện chưa có giống mì nào kháng được bệnh khảm lá vi rút hại mì và chưa có thuốc đặc hiệu phòng trừ bệnh. Theo đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân sử dụng giống mì ít nhiễm bệnh là KM94, hạn chế sử dụng giống mì KM419, KM140, KM98-5 và tuyệt đối không sử dụng giống HL-S11”-ông Có nhấn mạnh.
Toàn tỉnh có gần 1.250 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút, trong đó, huyện Ia Pa hơn 510 ha, Kbang 166 ha, Ayun Pa 161 ha, An Khê 280 ha, Chư Pưh 36 ha, Kông Chro 27 ha... Có 122 ha đã tiêu hủy 100%, 27 ha tiêu hủy cục bộ. |
LÊ NAM