Gia Lai: Chủ động tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bắt đầu từ năm học 2020-2021, gần 40 ngàn học sinh lớp 1 trên toàn tỉnh Gia Lai sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới với bộ sách giáo khoa (SGK) mới. Để chuẩn bị điều kiện cho lộ trình thay SGK, UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tỉnh do bà Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận liên quan.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu với lộ trình cụ thể như sau: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. So với chương trình hiện hành, SGK mới chú trọng đến việc phát huy năng lực, phẩm chất học sinh. Trong nội dung các bài học có 80% phần kiến thức chung và 20% kiến thức địa phương.
Ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động
Ngay sau khi nhận được công văn hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó, Sở phân công Phòng Giáo dục trung học và Phòng Giáo dục tiểu học lập kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo từng bậc học; phối hợp tổ chức biên soạn nội dung giáo dục về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự, văn hóa, lịch sử, địa lý, môi trường, hướng nghiệp của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện đổi mới SGK tại các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Đoàn công tác của Sở GD-ĐT hỗ trợ kỹ thuật giảng dạy tại Trường Tiểu học Ia Nhin, huyện Chư Pah (Gia Lai). Ảnh: N.G
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Bám sát hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở đang cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi kết thúc năm học 2018-2019. “Hiện nay, các phòng chuyên môn của Sở đang tiến hành xây dựng kế hoạch biên soạn tài liệu địa phương trên tinh thần rà soát nội dung mà bộ tài liệu địa phương của tỉnh đã ban hành nhiều năm nay để bổ sung. Chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, trình UBND tỉnh xem xét, bố trí ngân sách địa phương, nguồn vốn từ các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới”-bà Bùi Khoa Nghi nói.
Tại các địa phương, công tác triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đang được ưu tiên thực hiện. Bà Trần Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi chủ động triển khai “Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025”, chỉ đạo Phòng GD-ĐT rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có tại các cơ sở giáo dục, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bổ sung, đảm bảo cho chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên
Giáo viên được coi là yếu tố quan trọng quyết định thành-bại trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Để hỗ trợ đội ngũ giáo viên nâng cao chuyên môn, sẵn sàng cho chương trình SGK mới, Sở GD-ĐT đang thành lập đoàn công tác gồm cán bộ, giáo viên cốt cán bậc tiểu học hỗ trợ kỹ thuật giảng dạy ở một số bộ môn văn hóa tại các trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có môn Tiếng Anh-bộ môn bắt buộc ngay từ lớp 3 trong chương trình SGK mới thay vì là bộ môn tự chọn ở bậc tiểu học như hiện nay (áp dụng chương trình Tiếng Anh 10 năm thay cho 7 năm).
Một tiết học của cô trò Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa, Gia Lai). Ảnh: Đức Thụy

Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học vì đây là bậc học cận kề nhất với lộ trình thay SGK. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT tham mưu UBND các huyện, thị  xã, thành phố nhanh chóng bổ sung cơ sở trường lớp để đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày trong năm học 2020-2021 và đến năm 2024-2025, tất cả học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới”.


Cô Vũ Thị Thu Hoài (giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học Ia Nhin, huyện Chư Pah) cho rằng, đợt hỗ trợ kỹ thuật mang tính chất “cầm tay chỉ việc” của Sở GD-ĐT lần này có ý nghĩa lớn giúp giáo viên hình thành phương pháp giảng dạy phù hợp. “Tôi coi đây như đợt sinh hoạt chuyên môn cụm rất ý nghĩa khi có sự góp gặp của nhiều giáo viên giỏi trong toàn tỉnh. Qua các tiết dự giờ và trao đổi chuyên môn, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm đứng lớp, triển khai bài học theo hướng đổi mới”-cô Hoài chia sẻ.
Nói thêm về công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, bà Bùi Khoa Nghi thông tin, trong tháng 4 này, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai các lớp tập huấn giảng dạy theo SGK mới cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán bậc tiểu học ở các địa phương. Sau đó, đội ngũ này có nhiệm vụ tập huấn lại cho giáo viên trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở khuyến khích tinh thần tự học để chuẩn hóa phương pháp dạy học mới của giáo viên bằng cách tham gia các khóa học ngắn hạn.
Cô Võ Thị Thanh Tuyền-giáo viên Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) là một trong những người chủ động cập nhật đổi mới phương pháp giảng dạy. Hai năm qua, cô đều tự bỏ tiền túi đăng ký các khóa học “dạy học tích cực” tại TP. Hồ Chí Minh. Cô Tuyền cho biết: “Từ phương pháp đến suy nghĩ của giáo viên trước đây đều đã quá cũ, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Tôi đi học trước tiên là vì bản thân mình vì tôi muốn sống hạnh phúc với nghề, với học trò và không muốn bị tụt hậu khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai”.
 NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm