Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Chuyển biến tích cực trong quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 năm (2017-2022), các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Quản lý, bảo vệ rừng tại gốc

Ông Hồ Văn Thảo-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-thông tin: Những năm trước, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương gặp nhiều khó khăn do diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng. Bên cạnh đó, địa bàn huyện giáp ranh với 2 tỉnh Đak Lak, Phú Yên nên các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm như: khai thác gỗ, củi bán cho các lò sấy thuốc lá, đốt than và phá rừng làm rẫy. Thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy và UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng từ huyện đến xã và hệ thống chính trị ở các thôn, buôn, tổ dân phố cùng vào cuộc giữ rừng. Trong đó, Mặt trận và các đoàn thể ở các thôn, buôn giám sát tại chỗ. Khi phát hiện có đối tượng thường xuyên vào rừng thì chỉ ra tên họ, địa chỉ và báo cáo cho lực lượng chức năng. Nhờ cách làm này, công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện đã có nhiều chuyển biến khi số vụ vi phạm ngày càng giảm, hạn chế các “điểm nóng”.

 Lực lượng Kiểm lâm huyện Kông Chro kiểm kê số lâm sản khai thác trái phép vừa tạm giữ. Ảnh: Lê Nam
Lực lượng Kiểm lâm huyện Kông Chro kiểm kê số lâm sản khai thác trái phép vừa tạm giữ. Ảnh: Lê Nam


Về hiệu quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Hàng năm, huyện thành lập các tổ liên ngành tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Huyện ủy, UBND huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, trong 5 năm qua, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm bình quân khoảng 33 vụ/năm. Đồng thời, huyện kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để tạo tính răn đe.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, qua 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.940 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 48,25% so với giai đoạn 2012-2016. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh đã thanh tra 25 đơn vị chủ rừng, phát hiện nhiều sai phạm tại một số đơn vị, kiến nghị các cấp, ngành xử lý nghiêm. Đồng thời, đã xử lý 2.905 vụ, trong đó có 177 vụ xử lý hình sự, 2.728 vụ hành chính. Đồng thời, tịch thu khoảng 5.063 m3 gỗ các loại cùng một số lâm sản khác, tịch thu 187 xe ô tô, máy kéo, công nông, xe độ, 653 xe máy, 184 máy cưa… Tổng số tiền phạt hơn 19,2 tỷ đồng và tiền bán tài sản nộp vào ngân sách nhà nước hơn 30,2 tỷ đồng.

Cùng với quản lý và bảo vệ rừng, công tác trồng rừng được các cấp, ngành triển khai thực hiện quyết liệt. Theo đó, giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã trồng được 31.440 ha rừng, trong đó có 26.026 ha rừng tập trung và hơn 5.377,82 ha cây phân tán, từng bước nâng cao độ che phủ của rừng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, từ khi thực hiện Chương trình số 38-CT/TU, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả khi số vụ vi phạm giảm qua từng năm. Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình số 38-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị chủ rừng, lực lượng chức năng đánh giá cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Krông Pa với nhiều cách làm hay.

Theo ông Hồ Văn Thảo, huyện đã xuất kinh phí để động viên khen thưởng đột xuất lực lượng chức năng các cấp phát hiện, bắt giữ và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, những đơn vị nào thiếu kinh phí, phương tiện và con người thì báo cáo với lãnh đạo huyện để được hỗ trợ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Đặc biệt, hàng năm, HĐND huyện dành một khoản kinh phí cho UBND huyện để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, các tổ chức và người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, giữ rừng vẫn còn khó khăn. Vì vậy, huyện đề nghị các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cấp xã cùng vào cuộc giúp đỡ, không phân biệt rừng của ai mà là trách nhiệm chung.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) cũng cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Krông Pa rất thiết thực. Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT cần nhân rộng để các địa phương, đơn vị chủ rừng học tập và làm tốt hơn nữa nhằm giữ trọn màu xanh cho những cánh rừng.

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng ngành nông-lâm nghiệp rất thấp, chiếm 1,33% trong cơ cấu nội ngành; hạ tầng lâm nghiệp còn thấp, nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức; các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển và tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các chủ rừng chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời... Đặc biệt, việc quản lý, bảo vệ rừng tại gốc của một số chủ rừng và cấp xã chưa thật sự hiệu quả.

 Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) tổ chức tuần tra. Ảnh: N.D
Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) đi tuần tra. Ảnh: Nguyễn Diệp


Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Tình trạng tranh chấp đất giữa người dân với chủ rừng chưa được giải quyết dứt điểm. Công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc chưa thật sự hiệu quả. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng chưa sâu sát, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo dẫn đến rừng bị mất. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương hạn hẹp, trong khi vốn từ trung ương chưa đáp ứng nhu cầu.

“Thời gian tới, Sở Nông nghiêp và PTNT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc; siết chặt kỷ cương trong thi hành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về lâm nghiệp, xử lý nghiêm người đứng đầu có biểu hiện tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm”-ông Hoan nhấn mạnh.
 

 NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm