Lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần trồng lúa
Năm 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 505,5 ha đất lúa không hiệu quả sang các loại cây trồng khác, đạt 67% so với kế hoạch. Trong đó, một số địa phương chuyển đổi nhiều như: Ia Pa 210 ha (15 ha khoai lang, 71 ha dưa hấu, 122 ha cây thuốc lá, 2 ha cây hàng năm khác); Phú Thiện 94,5 ha (43 ha rau, đậu các loại, 31,5 ha khoai lang, 10 ha bắp, 10 ha cây hàng năm khác); Chư Sê 56,7 ha (27,2 ha bắp, 1 ha chuối, 12,3 ha rau các loại, 0,5 ha mì, 12 ha mía, 3,2 ha cây hàng năm khác, 0,5 ha cây lâu năm khác)...
Hiện nay, theo tính toán của người dân thì trồng khoai lang Nhật đầu tư trung bình 70-80 triệu đồng/ha (chưa tính tiền thuê đất), năng suất bình quân khoảng 20-22 tấn/ha, nếu giá bán bình quân 8-10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí người dân có lợi nhuận khoảng 100-130 triệu đồng/ha/vụ. Trồng dưa hấu chi phí đầu tư trung bình 80-100 triệu đồng/ha, năng suất bình quân khoảng 35-40 tấn/ha, giá dưa hấu trung bình khoảng 6-8 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 100-130 triệu đồng/ha.
Đối với cây thuốc lá thì chi phí đầu tư trung bình 90-100 triệu đồng/ha, năng suất bình quân khoảng 3-3,5 tấn/ha/vụ, giá bán khoảng 55-70 ngàn đồng/kg thuốc lá sấy khô, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 60-100 triệu đồng/ha...
Chị Mã Thị Nguyệt (buôn Ma Rin 3, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho hay: Gia đình chị thuê đất trồng lúa của người dân được 3 ha (giá thuê 30 triệu đồng/ha/vụ) để trồng cây thuốc lá. Bình quân mỗi ha thuốc lá đầu tư khoảng 100-110 triệu đồng.
“Năm nay, dự kiến năng suất đạt khoảng 4 tấn thuốc lá khô/ha. Giá dao động 60-65 ngàn đồng/kg đối với thuốc lá vàng, 48-52 ngàn đồng/kg đối với thuốc lá nâu, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha”-chị Nguyệt nhẩm tính.
Người dân xã Ia Mrơn (huyện Ia Pa) làm cỏ cho diện tích khoai lang được chuyển đổi trên đất trồng lúa. Ảnh: L.N |
Tương tự, vụ này, gia đình anh Nay Gra (buôn Chơ Ma, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) cũng mạnh dạn chuyển đổi 0,7 ha lúa nước sang trồng cây thuốc lá. Anh cho hay: “Tôi đang thu đợt 1 với dự kiến trên 2 tấn thuốc lá khô. Với giá thuốc lá hiện tại thì gia đình cũng thu lợi nhuận trên 50 triệu đồng, cao gấp đôi so với làm lúa”.
Tại huyện Phú Thiện, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn huyện trồng được khoảng 2.500 ha khoai lang Nhật, trong đó có khoảng 1.900 ha được chuyển từ đất trồng lúa.
Ông Nguyễn Hữu Khóa-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: Vụ này, toàn xã có khoảng 600 ha khoai lang, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Năng suất trung bình đạt trên 20 tấn/ha, có hộ đạt 25-30 tấn/ha. Hiện người dân trên địa bàn đang bước vào vụ thu hoạch. Nhưng giá khoai lang năm nay khoảng 6-7 ngàn đồng/kg (thấp hơn năm trước 3-4 ngàn đồng kg).
Nếu thời gian tới, giá khoai lang tăng trở lại trên 10 ngàn đồng/kg thì người trồng khoai có thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Tiếp tục chuyển đổi đất lúa không hiệu quả
Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-thông tin: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, huyện, vụ Đông Xuân 2023-2024, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển đổi 247 ha đất lúa sang trồng 60 ha rau, dưa các loại; 47 ha khoai lang; 140 ha thuốc lá.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải đảm bảo nguyên tắc theo định hướng thị trường, ưu tiên chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vùng không chủ động được nguồn nước, vùng thường xuyên thiếu nước. Ngoài ra, phải đảm bảo phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa khi cần thiết và việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác phải thực hiện theo quy định của pháp luật”-ông Hùng thông tin.
Còn ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho hay: Năm 2024, huyện chuyển đổi 90 ha đất lúa sang trồng 40 ha rau các loại; 50 ha khoai lang, bắp và cây trồng khác.
Để việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, định hướng, khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, sản xuất phải gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Người dân thu hoạch khoai lang được trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện. Ảnh: L.N |
Theo ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Hàng năm, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT về chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển đổi đất lúa của người dân theo đúng quy trình, thủ tục.
“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng; tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Ngoài ra, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; tổ chức liên kết trong sản xuất, khuyến khích tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hỗ trợ nông dân sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản”-ông Khải nhấn mạnh.