Giáo dục

Tin tức

Gia Lai có 1 cá nhân được khen thưởng trong thực hiện Đề án 959

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 21-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 959/QĐ-TTg ngày 24-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020” (Đề án 959). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT; các Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Long, Bùi Khoa Nghi; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trường THPT chuyên Hùng Vương cùng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở GD-ĐT.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà


Triển khai thực hiện Đề án 959, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện theo 2 giai đoạn và hàng năm, xác định cụ thể công việc, lộ trình. Các địa phương cũng xây dựng kế hoạch phát triển trường chuyên và ban hành nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với giáo viên, học sinh trường chuyên đặc thù.

Giai đoạn 2010-2020, 6 mục tiêu mà Đề án 959 đề ra cơ bản đều đạt. Theo đó, mạng lưới các trường chuyên được hoàn thiện hơn, quy mô trường, lớp và học sinh được mở rộng và phát triển. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có ít nhất 1 trường chuyên; tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 77 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở GD-ĐT, 6 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học) và 11 khối chuyên; tăng 9 trường so với năm 2010. Tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Số lượng trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 21/68 trường vào năm 2010 lên 60/77 trường vào năm 2020. Nhiều trường THPT chuyên được ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; một số trường có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường chuyên về cơ bản đã đáp ứng đủ về số lượng và có chuyển biến đáng kể về chất lượng. Việc tổ chức giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục trong nước được các trường chuyên thực hiện tốt, tạo điều kiện cho các trường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nâng cao chất lượng giáo dục; việc giao lưu, hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài cũng đã được một số trường chuyên thực hiện và đạt hiệu quả nhất định. Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục; kết quả thi đại học; đào tạo mũi nhọn thi Olympic khu vực, quốc tế; cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và trường chuyên đều nhìn nhận rằng, mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông khác. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng, hệ thống trường chuyên vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh; tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao; các thiết bị dạy học hiện đại chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả; trình độ ngoại ngữ của giáo viên và học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu; việc huy động các nguồn lực từ hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường phương tiện, trang-thiết bị dạy học hiện đại vẫn còn ít; liên kết giữa các trường chuyên và các cơ sở giáo dục có uy tín trong nước và quốc tế chưa nhiều và hiệu quả... Trên cơ sở thảo luận, hội nghị cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032.

Dịp này, Bộ GD-ĐT cũng đã quyết định khen thưởng cho 38 tập thể và 42 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 959. Trong đó, tỉnh Gia Lai có 1 cá nhân là cô Quảng Thị Kiệp-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương.

 

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm