Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Gia Lai có 1.366 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được công nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 28-6, Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết công tác dân vận và Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Các đồng chí: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh; Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh đồng chủ trì hội nghị

Dự hội nghị tại điểm cầu chính Trụ sở Tỉnh ủy có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của tỉnh; đại diện lãnh đạo: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Báo Gia Lai, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ.

Đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.D

Đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P.D

Hội nghị kết nối đến 17 điểm cầu cấp huyện với sự tham dự của Thường trực Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở cấp huyện cùng đại diện một số phòng, ban liên quan.

6 tháng đầu năm, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, ban hành nhiều văn bản thực hiện công tác dân vận sát với tình hình thực tế của cấp ủy, đơn vị, địa phương. Có 20 sở, ban, ngành cấp tỉnh kết nghĩa với 17 thôn, làng; 465 phòng, ban của 15/17 huyện, thị xã, thành phố kết nghĩa với 316 thôn, làng theo tinh thần Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân; ý thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu được nâng lên.

Công tác tiếp dân, đối thoại, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân được thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm đến nay, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tổ chức 85 cuộc tiếp dân; tiếp nhận và xử lý 79 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã có 89 cuộc tiếp xúc đối thoại với Nhân dân. Toàn tỉnh đã tiếp 1.351 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

Các cấp, các ngành tiếp nhận 23 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và đã xác minh, giải quyết xong 18 vụ; tiếp nhận 917 đơn kiến nghị, phản ánh và đã giải quyết xong 802 đơn, số còn lại đang xem xét để xử lý.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: P.D

Các đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường lực lượng bám địa bàn, tham mưu xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh; giúp Nhân dân phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các Hội quần chúng hướng mạnh hoạt động về cơ sở, tổ chức phát động có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tích cực triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Công tác tham mưu, đề xuất của hệ thống dân vận các cấp đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm triển khai rộng khắp trên các lĩnh vực đời sống xã hội. 6 tháng đầu năm, các địa phương, đơn vị đăng ký mới 701 mô hình. Hiện toàn tỉnh có 3.328 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 1.366 mô hình, điển hình được công nhận. Toàn tỉnh đã thành lập 168 mô hình “Nông hội” tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với 4.983 thành viên.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo QCDC các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở tiếp tục đi vào nền nếp; quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân; đạo đức công vụ được chú trọng; cải cách hành chính và công tác phòng-chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo đúng quy định,...

Có 10 ý kiến tham gia tại hội nghị. Các ý kiến cơ bản nhất trí với đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận, QCDC ở cơ sở 6 tháng đầu năm và thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại: Công tác cải cách hành chính chưa cao, chỉ số cải cách hành chính nhà nước năm 2023 so với cùng kỳ cải thiện không đáng kể; việc giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến sai phạm tại một số dự án còn chậm; công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn tự tử, tảo hôn, tình trạng học sinh bỏ học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế,...

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác dân vận và Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm tại điểm cầu chính Trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: P.D

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác dân vận và Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm tại điểm cầu chính Trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: P.D

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận, QCDC ở cơ sở thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh trên cơ sở các tồn tại, hạn chế đã chỉ rõ, các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp cụ thể để sớm khắc phục.

Về công tác dân vận thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; tạo điều kiện phát huy vai trò của các tầng lớp Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giám sát đối với cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tư tưởng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân liên quan đến các vụ việc có diễn biến phức tạp, nổi cộm trên các lĩnh vực; nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để giải quyết, tháo gỡ kịp thời, có hiệu quả những vấn mà người dân quan tâm.

Chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo. Đặc biệt, tập trung duy trì và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13 về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo"; tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ ban dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp. Chỉ đạo tổ chức thành công đại hội MTTQ Việt Nam và đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp huyện nhiệm kỳ 2024-2029 tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XI và Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029.

Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; tích cực tham gia ý kiến đối với việc triển khai thực hiện QCDC cơ sở trong toàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm