Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Công nghiệp tạo bước đột phá mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Công nghiệp được xác định là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành kinh tế này phát triển ổn định, bền vững, chuyển dịch đúng hướng.



Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của tỉnh Gia Lai năm 2018, liên quan đến ngành công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Tỉnh tiếp tục huy động nguồn vốn các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh như: chế biến nông-lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản; chú trọng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng điện gió, điện mặt trời...”. Điều này là sự cụ thể hóa kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Cả 222/222 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có điện lưới quốc gia. Ảnh: NGỌC SANG
Cả 222/222 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có điện lưới quốc gia. Ảnh: Ngọc Sang



Nhìn lại những kết quả đáng phấn khởi trong năm 2018 cho thấy, ngành công nghiệp của tỉnh đã có những bước tiến vững chắc. Theo đó, tình hình thời tiết diễn biến thuận lợi đã đảm bảo nguồn nguyên liệu, phát huy hiệu quả công suất thiết kế của các nhà máy chế biến và các nhà máy thủy điện. Một số dự án đầu tư mới đi vào hoạt động như: Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa (công suất 49 MW), Nhà máy Thủy điện Krông Pa 2 (15 MW), Nhà máy Thủy điện Ayun Trung (13,5 MW), Nhà máy Thủy điện Plei Keo (10,5 MW)… đã giúp giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và tăng so với năm 2017. Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt gần 20.000 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch; trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 76,7% kế hoạch; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 100% kế hoạch; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước đạt 101,3% kế hoạch; công nghiệp cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 100,3% kế hoạch.

Giá trị sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến năm 2018 cũng tăng rất cao so với năm 2017. Có thể kể ra một số mặt hàng chủ yếu như: đường tinh chế tăng 25,15%, sản phẩm MDF tăng 42,76%, xi măng tăng gần 300%, đá granite tăng 7,29%, sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tăng 5,96%, chè các loại tăng 2,81%, phân vi sinh tăng 12,45%, tinh bột mì tăng 4,32%; chỉ có chế biến sữa là giảm 15,72% so với năm ngoái.

Về công nghiệp điện, theo ông Võ Công Hiền-cán bộ Văn phòng Công ty Điện lực Gia Lai: “Hiện cả 222/222 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có điện lưới quốc gia với 330.520 hộ dân sử dụng điện, đạt 99,5%”. Đây thực sự là sự nỗ lực lớn của ngành Điện. Cũng theo ông Hiền, toàn tỉnh có 47 công trình thủy điện (8 công trình thủy điện lớn, 39 công trình thủy điện vừa và nhỏ), 2 công trình điện sinh khối và 1 công trình điện mặt trời đã đưa vào sản xuất với tổng công suất là 2.434,45 MW.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng từng bước thu hút được các nhà đầu tư. Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Trong năm 2018, Khu Công nghiệp Trà Đa đã thu hút thêm 6 dự án với tổng vốn đăng ký 174 tỷ đồng. Hiện có 48 nhà đầu tư triển khai 53 dự án (4 dự án FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký 2.008 tỷ đồng. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cũng thu hút thêm 6 dự án với tổng vốn đăng ký 339,9 tỷ đồng. Khu Công nghiệp Nam Pleiku đang được nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 13 cụm công nghiệp của các huyện, thị xã, thành phố. Trong số này có 5 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 58 dự án đầu tư (17 dự án đã đi vào hoạt động) với tổng vốn đăng ký 350,2 tỷ đồng”.

Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) đã được HĐND tỉnh thông qua, tỉnh ta phấn đấu trong năm 2019, ngành công nghiệp-xây dựng sẽ chiếm khoảng 28,45% cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) khoảng 10%. Tỉnh cũng sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu có thế mạnh của tỉnh, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ công nghiệp chế biến và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, sớm đưa các nhà máy mới đi vào hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc lập thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, các dự án năng lượng.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm