Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai-Đà Nẵng: Hợp tác sản xuất, cung ứng rau quả an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 2 năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai và TP. Đà Nẵng đã thực hiện khá hiệu quả thỏa thuận hợp tác về sản xuất, cung ứng rau quả an toàn thực phẩm cho thị trường Đà Nẵng. Việc cung ứng các loại rau củ quả an toàn cho thị trường này đã mở ra cơ hội phát triển bền vững cho các hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh Gia Lai.     
Năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai và Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng đã ký thỏa thuận hợp tác về sản xuất và cung ứng rau quả an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020 cho thị trường Đà Nẵng. Trên cơ sở nội dung ký kết, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập kế hoạch hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tại các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Đà Nẵng.
Rau quả an toàn Gia Lai hiện đang rất “được lòng” thị trường Đà Nẵng. Ảnh: Đ.T
Rau quả an toàn Gia Lai hiện đang rất “được lòng” thị trường Đà Nẵng. Ảnh: Đ.T
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, hiện có khoảng 20 cơ sở trên địa bàn tỉnh thu mua các loại rau xanh như bắp cải, xà lách, mồng tơi, hành, ngò, cải ngọt, bí đỏ, bí đao… để cung cấp cho chợ đầu mối Hòa Cường (TP. Đà Nẵng) mỗi ngày trung bình khoảng 31 tấn. Lượng rau củ quả này chủ yếu ở huyện Đak Pơ và thị xã An Khê. Đây cũng là 2 địa phương tích cực hỗ trợ người dân sản xuất rau an toàn và có Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ An Trường Phát (huyện Đak Pơ) và HTX Dịch vụ nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê) ký kết trực tiếp với các doanh nghiệp Đà Nẵng về cung ứng, tiêu thụ rau quả an toàn. Ngoài ra, một số hộ tại TP. Pleiku và huyện Kông Chro cũng cung cấp rau quả cho thị trường Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Ngọ (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho hay: “Bình quân mỗi ngày, đại lý của tôi thu mua khoảng 1,5 tấn rau củ quả các loại cung cấp cho người tiêu dùng các tỉnh miền Trung mà nhiều nhất là thị trường Đà Nẵng. Khi mua rau quả của người dân, tôi phải tính thời điểm thu hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời tuyên truyền, vận động họ sản xuất theo hướng an toàn, nếu phun thuốc phải đảm bảo thời gian cách ly từ 1 tuần đến 10 ngày mới thu hoạch để không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, người trồng rau ở Đak Pơ cũng như các huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã ý thức trong việc giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Họ chủ yếu sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây rau”.
Còn ông Lê Trường Hải-Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đak Pơ-cho biết: “Trung bình mỗi ngày, HTX có khoảng 6 xe chuyên chở rau quả cung cấp cho thị trường Đà Nẵng. Tại đây, họ kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất chặt. Vì vậy, hiện nay, người trồng rau xanh ở Đak Pơ và các vùng lân cận chủ yếu sản xuất theo hướng VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”. Cũng theo ông Hải, ngoài vận chuyển rau củ quả cho các đại lý, gia đình ông còn cung cấp khoảng 2 tấn rau xanh/ngày cho thị trường Đà Nẵng.
Một phương tiện vận chuyển rau quả chuẩn bị xuất bến ra tiêu thụ tại Đà Nẵng. Ảnh: N.D
Một phương tiện vận chuyển rau quả chuẩn bị xuất bến ra tiêu thụ tại Đà Nẵng. Ảnh: N.D
Để đảm bảo chất lượng rau củ quả cung ứng cho thị trường Đà Nẵng, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tăng cường lấy mẫu rau quả tại các địa phương để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Qua phân tích 435 mẫu rau củ quả, ngành chức năng phát hiện 16 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trong đó thị xã An Khê có 3/40 mẫu không đạt về chỉ tiêu permethrin trên sản phẩm cà chua. Riêng tại huyện Đak Pơ không phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các mẫu rau quả.
Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-thông tin: Đak Pơ là vùng có truyền thống trồng rau lâu đời nhất tỉnh với nhiều chủng loại rau màu. Hầu hết người dân đều tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là huyện chưa có vùng sản xuất rau tập trung, chưa có chính sách hỗ trợ sản xuất rau VietGAP… Thành phố Đà Nẵng hiện siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên huyện đang tập trung triển khai tập huấn cho nông dân các xã trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; khảo sát các điểm để triển khai sản xuất rau an toàn có chứng nhận VietGAP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc đối với cây rau; lồng ghép các nguồn vốn xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau củ quả an toàn từ nay đến năm 2020 cho 200 hộ với diện tích khoảng 50 ha.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thỏa thuận hợp tác giữa Gia Lai và Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như các địa phương trong tỉnh. Ý thức của người dân trong sản xuất rau quả an toàn thực phẩm theo đó cũng ngày một nâng cao. Dù vậy, khó khăn hiện nay là đa số hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm còn khó khăn. Cơ quan cấp huyện chưa tập trung rà soát, thống kê, đánh giá, ký cam kết an toàn thực phẩm đối với cơ sở thu mua rau củ quả cung cấp cho thị trường Đà Nẵng. Việc liên kết chuỗi sản xuất giữa các hộ chưa cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn khó khăn do thương lái chưa ghi chép cụ thể sản phẩm hàng hóa thu về.
“Thời gian tới, Ban An toàn Thực phẩm và Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các cam kết như: kết nối doanh nghiệp của Đà Nẵng với các cơ sở sản xuất rau củ quả đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Gia Lai; hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau củ quả an toàn của Gia Lai đến người tiêu dùng Đà Nẵng; cung cấp danh sách tổ chức, cá nhân ở Đà Nẵng có nhập rau quả của Gia Lai để Sở kết nối tiêu thụ và quản lý tốt sản phẩm, qua đó giúp người trồng rau phát triển theo hướng bền vững”-ông Có thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm