Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gia Lai đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng đối với các chủ đầu tư nhằm đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư đưa ra những giải pháp sát sườn để tránh nguy cơ bị cắt vốn hoặc điều chuyển vốn nếu tới tháng 9 mà tiến độ giải ngân chưa đạt 60%. 
 


Nhiều dự án chưa triển khai

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 6, vẫn còn 6 dự án của 4 chủ đầu tư có hạng mục được bố trí kế hoạch vốn năm 2020 chưa triển khai. Trong số này, thị xã Ayun Pa có tới 3 dự án gồm: dự án chỉnh trang đô thị thị xã có tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (riêng vốn kế hoạch bố trí năm 2020 là 20 tỷ đồng); dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa được chuyển tiếp có tổng mức đầu tư 412 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh; dự án đường nội thị thị xã được chuyển tiếp có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng (riêng vốn kế hoạch năm 2020 là 15 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách trung ương.

Dự án Mở rộng, nâng cấp Quảng trường thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah)
Dự án Mở rộng, nâng cấp Quảng trường thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah). Ảnh: Hà Duy



Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được tiến độ giải ngân theo yêu cầu. Dự kiến, dự án chỉnh trang đô thị thị xã Ayun Pa sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2020 vào cuối tháng 6. Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã Ayun Pa, đối với gần 45,3 tỷ đồng chuyển nguồn từ năm 2019 sang năm 2020, đến hết tháng 8 sẽ giải ngân đạt 70% kế hoạch; còn 23,6 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 thì đến hết tháng 9 sẽ giải ngân đạt 60% và cuối năm sẽ giải ngân hết. Đối với dự án đường nội thị thị xã Ayun Pa, đến hết tháng 9 sẽ giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn năm 2020 và cuối năm giải ngân 100% kế hoạch vốn bố trí”.

Thành phố Pleiku cũng có 1 dự án chưa triển khai thi công là dự án thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời cho các tuyến đường nội thị. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án sẽ mở thầu vào ngày 29-6 và dự kiến khởi công trước ngày 15-7.

Ngoài 4 dự án nói trên còn 2 dự án khởi công mới chưa triển khai thi công là trụ sở UBND thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng và dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê) có tổng mức đầu tư 27,7 tỷ đồng. Dự án trụ sở UBND thị trấn Nhơn Hòa chưa được triển khai là bởi còn chờ quy hoạch chung thị trấn nên chưa thể giao mặt bằng thi công. Còn dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Tây Sơn Thượng đạo đang lựa chọn nhà thầu.

Các địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn

Năm 2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư công bao gồm vốn năm 2019 kéo dài sang là gần 3.820 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn đầu tư tính số liệu giải ngân là khoảng 3.365,3 tỷ đồng. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng thực hiện tính đến ngày 15-6 là 1.116,6 tỷ đồng (đạt 33,2% kế hoạch) và giải ngân được 1.036 tỷ đồng (đạt 30,8% kế hoạch). Một số chủ đầu tư có tổng tỷ lệ giải ngân thấp như: UBND huyện Đak Pơ (29,7%), UBND huyện Đak Đoa (27,1%), UBND thị xã An Khê (11,1%), UBND thị xã Ayun Pa (13,7%), UBND huyện Krông Pa (15,9%), UBND huyện Phú Thiện (20,3%), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (19,8%), Sở Tài nguyên và Môi trường (4,3%), Sở Nông nghiệp và PTNT (17,6%), Sở Thông tin và Truyền thông (11,1%)...

 Dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: H.D
Dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: H.D



Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân của địa phương đạt thấp, ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Dự án Trường THCS Kpă Klơng có vốn đầu tư 10,8 tỷ đồng, hiện đã đấu thầu xong và cũng đã có khối lượng thực hiện. Tuy nhiên, do chưa được phân bổ đủ nguồn vốn nên chưa giải ngân. Huyện đang đề nghị ứng vốn để giải ngân theo đúng tiến độ”. Còn ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay: “Các công trình hầu hết đều đã có khối lượng nhưng vì chưa ứng được nhiều vốn nên chưa có tiền để giải ngân”.

Ngoài nguyên nhân chưa được cấp đủ vốn thì việc vướng giải phóng mặt bằng cũng khiến một số dự án chưa đạt tiến độ theo kế hoạch. Ông Phạm Xuân Điệp-Trưởng ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh-đề xuất: “Công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 của đơn vị cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, tỉnh lộ 666 hiện đã giải ngân 90%, vẫn còn thiếu 45 tỷ đồng. Đề nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ bổ sung nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện dự án. Riêng dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông tới nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục để giải ngân tiền giải phóng mặt bằng, đề nghị huyện Chư Prông tích cực có phương án giải quyết dứt điểm”. 

Về nguyên nhân chưa phân bổ đủ vốn cho các chủ đầu tư thực hiện công tác giải ngân, ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cho biết: “Hiện nguồn dự phòng của tỉnh đang dành cho các công tác cấp bách như phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng-an ninh. Tiền sử dụng đất thì chưa thu hết nên hiện chưa có nguồn để ứng cho các dự án”.

Gia Lai sắp bước vào mùa mưa, các chủ đầu tư đang phải chạy đua với thời gian để tiến độ giải ngân đạt ít nhất 60% vào tháng 9. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cho rằng: “Bản thân các chủ đầu tư là các địa phương có thể tạo nguồn, trong chừng mực nhất định cần phải chia sẻ với tỉnh; cần chủ động, linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn vốn của mình, không bị động chờ tỉnh phân bổ mà có thể ứng trước vốn để giải ngân cho các dự án, tỉnh sẽ hoàn trả lại sau. Tôi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với ngành Thuế tiếp tục đôn đốc các nguồn thu, nhất là tiền sử dụng đất”.

 

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm