Bạn đọc

Gia Lai đánh giá việc thực hiện các Quy chế làm việc mẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh vừa có báo cáo số 51/BC-VP gửi Văn phòng Chính phủ về đánh giá việc thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quy chế làm việc mẫu tại Văn bản số 7057/VPCP-TH ngày 19-10-2022.  
Theo đó, kết quả thực hiện như sau, đối với cấp tỉnh, UBND tỉnh thực hiện nguyên tắc làm việc tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, việc thực hiện Quy chế đã tiếp tục cải tiến lề lối, phương thức làm việc của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, vừa phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể UBND tỉnh, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các Ủy viên UBND tỉnh; thực hiện đúng quy trình, cách thức giải quyết công việc theo đúng phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và theo các quy định phân cấp quản lý của tỉnh; đảm bảo sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước cấp trên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Quy chế làm việc mẫu. Ảnh minh họa
Quy chế làm việc mẫu. Ảnh: P.V
Trên cơ sở Quy chế, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; UBND tỉnh đã có Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 26-2-2021 về việc kiện toàn Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao để thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tập trung vào việc tổ chức, triển khai và tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Qua công tác đôn đốc, kiểm tra, đã kịp thời chấn chỉnh các nội dung chậm tiến độ, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Quá trình hoạt động của Tổ công tác luôn bảo đảm thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, chính xác, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
Các sở ban ngành, UBND cấp huyện đã thực hiện tương đối đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, đột xuất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định của Quy chế.  Đối với cấp huyện và cấp xã, trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động, UBND cấp huyện, xã luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thống nhất cao trong lãnh đạo; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền.
Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế, đó là một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện theo thẩm quyền hoặc tham mưu đề xuất thực hiện các văn bản của cấp trên ban hành; chưa tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác khi giải quyết công việc có liên quan; việc góp ý cho các dự thảo đề án, kế hoạch, chương trình hành động chưa nhiều; nội dung thẩm định, tham mưu, đề xuất còn chung chung.
Công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao được chỉ đạo thường xuyên nhưng có một số nội dung chất lượng, kết quả thực hiện chưa đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị, địa phương còn chưa kịp thời, chất lượng thông tin báo cáo chưa đảm bảo yêu cầu.
Hiện nay, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019. Do đó, đề nghị sửa đổi Quy chế làm việc mẫu do Thủ tướng Chính phủ ban hành đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015.
Việc xây dựng Quy chế làm việc mẫu mới cần bảo đảm giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, công khai, minh bạch trong hệ thống hành chính nhà nước; khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ, sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm