Gia Lai: Đặt máy tạo nhịp tạm thời, cứu sống bệnh nhân bạch hầu biến chứng suy tim

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 21-8, bác sĩ CKII Trần Kế Toán-Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho biết: Sau 15 ngày đặt máy tạo nhịp tạm thời do bệnh bạch hầu gây biến chứng suy tim, bệnh nhân Hônh (21 tuổi, trú tại làng Bông Hoit, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) đã thoát cơn nguy kịch, ổn định sức khỏe. 

 Bệnh nhân Hônh hiện đã ổn định sức khỏe sau khi được đặt máy tạo nhịp tạm thời. Ảnh: Như Nguyện
Sau 15 ngày được đặt máy tạo nhịp tạm thời, bệnh nhân Hônh hiện đã ổn định sức khỏe. Ảnh: Như Nguyện


Trước đó, ngày 28-7, bệnh nhân Hônh nhập viện tại Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với các triệu chứng đau họng nhiều, nuốt khó, nói khó; khám họng có giả mạc màu xám nhạt, chẩn đoán bệnh bạch hầu. Sau hơn 1 tuần điều trị bệnh bạch hầu, bệnh nhân có biến chứng suy tim, suy thận, tình trạng sức khỏe nguy kịch. Bệnh viện tiến hành hội chẩn và chỉ định đặt máy tạo nhịp tạm thời cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim, suy thận.

Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã chuyển biến tích cực, xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh bạch hầu. Hiện bệnh nhân đã được chuyển về Khoa Tim mạch để tiếp tục theo dõi, nếu tình hình ổn định sẽ tháo máy tạo nhịp tạm thời trong vài ngày tới. Theo bác sĩ Toán, trường hợp bệnh nhân Hônh nếu không kịp thời đặt máy tạo nhịp tạm thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Liên quan đến dịch bệnh bạch hầu, từ ngày 3-7 đến nay, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 35 trường hợp dương tính tại 11 xã thuộc các huyện Đak Đoa, Ia Grai và TP. Pleiku; trong đó có 1 trường hợp tử vong. Qua điều trị tích cực, đã có 31 trường hợp khỏi bệnh xuất viện, hiện còn 3 trường hợp đang điều trị. Đến thời điểm này, có 7 xã đã qua 14 ngày không ghi nhận ca bệnh bạch hầu mới gồm: Đak Sơ Mei, Hnol, xã Trang và Đak Krong (huyện Đak Đoa); xã Ia O, Ia Hrung (huyện Ia Grai) và xã Biển Hồ (TP. Pleiku).

Đến nay, ngành Y tế đã khám sàng lọc bệnh bạch hầu cho gần 12.000 người dân tại 11 xã có ổ dịch; cấp 101.133 liều Erythromycin điều trị dự phòng bệnh bạch hầu và phun khử khuẩn môi trường tại các ổ dịch. Ngoài ra, 9/11 xã có ổ dịch đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho gần 49.000 người, đạt tỷ lệ gần 85%. Công tác tiêm chủng vẫn đang tiến hành với mục tiêu đảm bảo tất cả người dân tại các xã có ổ dịch bạch hầu được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm