Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai đầu tư và phát triển gần 4.000 ha cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh ủy Gia Lai vừa có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 3-7-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 Chú thích ảnh: Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh

Đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là hơn 3.987 ha, tăng gần 3.002 ha so với năm 2020. Trong đó, dược liệu dưới tán rừng là 956,8 ha, tăng 696,3 ha so với năm 2020; dược liệu trồng trên đất nông nghiệp là 3.030,6 ha, tăng 2.305,67 ha so với năm 2020.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển một số mô hình trồng dược liệu có hiệu quả như: mô hình trồng sâm bố chính tại Kbang, trồng cây hoa hòe tại Kông Chro, trồng cà gai leo tại Kông Chro. Đối với các dự án đầu tư phát triển cây dược liệu, hiện có 4 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng; có 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7.272 tỷ đồng. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 2) đối với 9 dự án trồng, nhân giống và phát triển cây dược liệu có ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 8.450 ha, tổng vốn đầu tư 4.197 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) cao trong sản xuất, chế biến dược liệu. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đặt hàng triển khai 5 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh về dược liệu, đặt hàng triển khai 2 nhiệm vụ cấp bộ, cấp quốc gia, đang theo dõi 2 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc chương trình quỹ gen. Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, toàn tỉnh hiện có khoảng 142 ha trồng dược liệu ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, 6 ha ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô lan kim tuyến. Các hoạt động chế biến dược liệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ dược liệu được các cấp, ngành tích cực triển khai, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu trong và ngoài tỉnh.

 

LỆ HẰNG

 

Có thể bạn quan tâm