Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với xu hướng phát triển theo chiều sâu, ngành trồng trọt đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.

Toàn tỉnh Gia Lai có 550.596 ha đất sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chính như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu, lúa, mì, mía, bắp và rau các loại... Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 15-CTr/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Đồng thời, Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

 Mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Nam


Thực hiện các nghị quyết trên, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 33.934 ha rau các loại, 171,6 ha hoa và 18.180 ha cây ăn quả. Đặc biệt, cây ăn quả đang phát triển rất nhanh về diện tích và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, bà con nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi 31.415 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau, đậu đỗ, khoai lang Nhật, hoa cảnh, dâu tằm, cây dược liệu.

Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: Hợp tác xã có 30 ha sầu riêng và na. Những diện tích này được các thành viên HTX chuyển đổi từ vườn hồ tiêu bị bệnh chết, kém hiệu quả. Hợp tác xã luôn xác định sản phẩm chất lượng phải đạt chuẩn ngay từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất an toàn, gắn liền với chuỗi liên kết giúp đảm bảo đầu ra cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

“Hiện quả na và sầu riêng Đại Ngàn được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận. Qua đó, giúp cho thành viên HTX có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm”-ông Bình chia sẻ.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có hơn 186.885 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance; hơn 28.130 ha cây trồng áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến tiết kiệm nước; có 23 mã số vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu và 1 chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm...

Ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Toàn huyện có 2.032 ha lúa Ba Chăm, năng suất đạt 32-35 tạ/ha và sản lượng hơn 6.900 tấn/năm. Lúa Ba Chăm được trồng theo phương thức chọc, trỉa và sử dụng nguồn nước tự nhiên. Cuối năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Mang Yang” cho sản phẩm gạo Ba Chăm.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ; giữ gìn và phát triển bền vững thương hiệu gạo đặc sản nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp”-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang thông tin.    

Cây cà phê là một trong số cây chủ lực của tỉnh. Ảnh: Lê Nam
Cà phê là một trong những cây chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Nam


Cùng với đó, tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp xây dựng 11 chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông-lâm sản. Trong đó, nổi bật là chuỗi liên kết sản xuất rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang thực hiện liên kết 3.675 ha (chanh dây, dứa, bắp ngọt, đậu tương rau, chuối tiêu hồng, rau chân vịt) với các HTX, tổ hợp tác và có 1.075 hộ nông dân tham gia; Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với chuỗi sản xuất-chế biến-xuất khẩu cà phê theo tiêu chuẩn có diện tích là 20.000 ha, sản lượng thu mua hàng năm đạt 70.000 tấn cà phê nhân, có 4 HTX và 7.000 hộ dân tham gia; Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu, hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất-tiêu thụ. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác hình thành chuỗi cung ứng-sản xuất-tiêu thụ nông sản nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.

Ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai-cho biết: “Dây chuyền Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai có công suất 52.000 tấn/năm. Hiện chúng tôi đã ký kết hợp đồng với người dân, HTX và tổ hợp tác đầu tư liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị một số loại trái cây, rau các loại từ khâu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, chúng tôi đang đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm đối với cây dứa tại địa bàn huyện Ia Grai và Chư Prông”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng lợi thế, nâng cao giá trị. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghị quyết về phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả và đưa rau quả thành ngành kinh tế nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trồng; từng bước nâng diện tích sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance đối với các cây trồng hàng hóa có lợi thế của địa phương.
 

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm