Kinh tế

Gia Lai đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Gia Lai đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án FDI. Riêng Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) có 5 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng 486 tỷ đồng, gồm: Nhà máy chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam (Singapore); Nhà máy chế biến đá của Công ty TNHH một thành viên Đá Viet-Euro-Stone Gia Lai (Cộng hòa Liên bang Đức); Nhà máy chế biến nông sản Olam và Dự án Nhà máy thu mua, sơ chế nông sản của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai (Singapore); Nhà máy chế biến cà phê ACOM của Chi nhánh Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai (Thụy Sĩ) và Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac (Thụy Sĩ).

Các dự án còn lại chủ yếu là dưới hình thức góp vốn, trong đó nổi bật có Nhà máy điện gió của Công ty cổ phần Phong điện HBRE Gia Lai (thuộc Tập đoàn HBRE) với sự góp vốn của Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan), có quy mô công suất 50 MW với 12 trụ tua bin tại xã Ia Băng và Ia Phìn (huyện Chư Prông), sản lượng điện trung bình ước tính 163,07 GWh/năm.

Hay Dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng một số đối tác khác hợp tác đầu tư tại huyện Chư Pưh.

Kiểm tra chất lượng cà phê tại ACOM Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Bên cạnh các nhà đầu tư đã có dự án đi vào hoạt động, thời gian qua, Gia Lai cũng đón rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác.

Cụ thể, Hiệp hội Kinh tế-Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA), Trung tâm Hợp tác phát triển quốc tế Daegu Gyeongbuk, Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc), Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc)... đã đến Gia Lai nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác.

Nhận xét về tiềm năng để thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai, ông Shimuzi Akira-Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam-nhận định: “Gia Lai có rất nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hồ tiêu và cà phê. Việc xây dựng những khu công nghiệp mới cũng sẽ trở thành thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh. Tôi nghĩ việc thu hút các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao hơn nữa thế mạnh của địa phương. Gia Lai cũng đang có định hướng phát triển du lịch sinh thái. Theo tôi, đây là hướng đi bền vững”.

Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại và triển lãm quốc tế, năm 2023, các sở, ngành đã quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư của tỉnh đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hình thức như: USB có video clip “Gia Lai-Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư”; các file mềm danh mục dự án thu hút đầu tư bằng tiếng Anh, Nhật, Hàn; sổ tay danh mục các dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm; tập gấp Gia Lai tiềm năng và cơ hội đầu tư; cung cấp các thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư (dịch thuật qua nhiều ngôn ngữ) của tỉnh tại các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước.

Thông tin về môi trường đầu tư của tỉnh và các danh mục dự án thu hút đầu tư cũng được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời được đăng công khai trên website: https://gialaiinvest.vn/(với 2 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh).

Một số nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu thông tin về sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai. Ảnh: H.D

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh và các ngành còn tham dự một số hội nghị, diễn đàn liên quan đến xúc tiến đầu tư tổ chức trong năm 2023, góp phần quảng bá tiềm năng đầu tư của tỉnh như: Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 do UBND TP. Hà Nội tổ chức; Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Lào-Việt Nam-Thái Lan tại tỉnh Champasak (Lào); “Bàn tròn xúc tiến đầu tư bất động sản: Du lịch nông nghiệp Việt Nam” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội; Hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ; Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” 2023 tại Hà Nội.

Ngoài ra, trong năm, đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã tổ chức các chuyến làm việc, xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản.

Để tăng cường xúc tiến thương mại, đồng thời tạo cơ hội thu hút đầu tư trong thời gian tới, Sở Công thương cũng đã tổ chức 1 đoàn công tác sang Singapore kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia hội chợ triển lãm tại Trung Quốc nhằm tìm kiếm đối tác xuất khẩu, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực.

Tháng 11-2023, hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp 5 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng đã được tổ chức tại TP. Pleiku.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, song không thể phủ nhận những nỗ lực mà tỉnh đã thực hiện thời gian qua. Ông Nguyễn Hữu Nguyên thông tin thêm: “Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 271-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở kế hoạch này, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư cũng như tiềm năng thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với nhu cầu của các đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Có thể bạn quan tâm