(GLO)- Năm 2017, với việc thành lập tổ giải ngân xây dựng cơ bản cũng như quyết liệt trong công tác chỉ đạo nên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản tới thời điểm này được đánh giá là có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ những năm trước.
Tiến độ nhanh hơn
Tổng vốn đầu tư của Nhà nước đến hết tháng 6 mà tỉnh được giao là 2.333,6 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước được giao kế hoạch đầu năm là 1.940,4 tỷ đồng (số còn lại là tiền sử dụng đất giao cho các địa phương đầu tư 255,6 tỷ đồng, tiền trích nộp quỹ phát triển đất 30 tỷ đồng, tiền chi đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 107,63 tỷ đồng). Trong vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước thì vốn ngân sách trung ương 205,8 tỷ đồng và vốn ODA 182,4 tỷ đồng được bố trí cho 17 dự án chuyển tiếp; vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên 309 tỷ đồng bố trí cho 20 dự án (có 3 dự án chuyển tiếp và 17 dự án khởi công mới). Riêng nguồn ngân sách địa phương 1.036,3 tỷ đồng được bố trí cho 76 dự án (gồm 30 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới). Ngoài ra, vốn kéo dài từ năm 2016 sang năm 2017 là 193 tỷ đồng.
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: H.D |
Ông Trần Anh Dũng-Trưởng phòng Thẩm định và Giám sát Đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Trong số 63 công trình khởi công mới, đến nay, hầu hết các dự án đã triển khai thi công, tiến độ nhanh hơn so với cùng thời điểm năm 2016. Hiện chỉ có 2 dự án chưa triển khai (1 dự án đang điều chỉnh và 1 dự án đang lựa chọn nhà thầu). Theo báo cáo của Kho bạc tỉnh, đến đầu tháng 7-2017, khối lượng thực hiện các dự án công trình trên toàn tỉnh đạt 632,152 tỷ đồng/1.940,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 32,58%, tăng 13,73% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện đã giải ngân trên 640 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 33%, tăng 16,41% so với thời điểm này năm trước. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% như thị xã An Khê (gần 50%), thị xã Ayun Pa (44,32%), huyện Đak Đoa (51,42%), Ban Quản lý các công trình giao thông (52,24%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (47,31%), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (56%), huyện Mang Yang (55,5%)...
Kiểm điểm các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 40%
Như vậy, năm 2017, tiến độ thủ tục xây dựng cơ bản cũng như thi công xây dựng nhanh hơn so với mọi năm. Việc thành lập tổ giải ngân do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng phụ trách đã đem lại hiệu quả nhất định, trước mắt là tỷ lệ giải ngân cao hơn.
Tuy vậy, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là các công trình có quy mô đầu tư và tính chất kỹ thuật phức tạp. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công. “Việc chậm tiến độ, ngoài nguyên nhân khách quan là do triển khai áp dụng nhiều chính sách mới như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công còn có nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp chưa tốt giữa địa phương với các sở, ngành trong khâu thẩm định dự án, thiết kế, dự toán, giải phóng mặt bằng. Năng lực của một số Ban Quản lý dự án còn hạn chế. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án, thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, kỹ thuật. Một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát tiến độ và quản lý chất lượng công trình. Các văn bản hướng dẫn của cấp tỉnh triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm khiến chủ đầu tư lúng túng trong triển khai thực hiện”-ông Trần Anh Dũng nhận định.
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nhất là khi Gia Lai bước vào mùa mưa sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định. Để hoàn thành đúng tiến độ, các chủ đầu tư và nhà thầu phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện. Các Ban Quản lý dự án, các chủ đầu tư cần đẩy nhanh công tác thanh-quyết toán, tạm ứng, giải ngân khối lượng xây dựng cơ bản, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đại diện Phòng Thẩm định và Giám sát Đầu tư cho biết sẽ đề nghị UBND tỉnh kiểm điểm các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 40% hoặc chưa thực hiện giải ngân.
Tính đến ngày 30-6, còn 18 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Các đơn vị đạt thấp gồm: Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (3,9%), Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (9,06%), Ban Quản lý các công trình nông nghiệp (6,7%), Sở Nông nghiệp và PTNT (16,22%), TP. Pleiku (25,09%), huyện Chư Sê (25,83%)... |
Hà Duy