Giáo dục

Tin tức

Gia Lai đề xuất kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 4-4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai có đề xuất gửi Bộ GD-ĐT về kế hoạch triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với bậc mầm non, tiếp tục triển khai cho trẻ mẫu giáo trải nghiệm và làm quen tiếng Anh tại những cơ sở giáo dục có nhu cầu và đủ điều kiện; bước đầu hình thành kỹ năng nghe, nói, làm quen đọc, viết và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, góp phần phát triển toàn diện và chuẩn bị cho trẻ học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Trong năm học 2023-2024, tiếp tục phấn đấu xã hội hóa để nâng số lượng cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong tỉnh lên 80 cơ sở.
Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục duy trì giảng dạy Chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm tại các cơ sở giáo dục và tăng cường triển khai dạy học tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2023-2024, đảm bảo 100% học sinh lớp 3, lớp 4; 45% học sinh THCS và 50% học sinh THPT học tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2022-2023, Gia Lai tiếp tục duy trì giảng dạy Chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: Mộc Trà
Năm học 2022-2023, Gia Lai tiếp tục duy trì giảng dạy Chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Ảnh: Mộc Trà
Cùng với đó, tiếp tục triển khai cho học sinh lớp 1 và 2 học tiếng Anh tự chọn theo hướng xã hội hóa ở những cơ sở giáo dục có điều kiện; duy trì 40% học sinh lớp 1, 2 học tự chọn tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần tại các trường tiểu học trong năm học 2023-2024; tổ chức dạy học bằng ngoại ngữ đối với một số tiết học của các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học tại Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai. Đồng thời, khuyến khích dạy ngoại ngữ cho học viên THPT hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án; tăng cường truyền thông và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ.
Sở GD-ĐT cũng đề nghị Bộ GD-ĐT bồi dưỡng hoặc có hướng dẫn bồi dưỡng giáo viên mầm non hoặc giáo viên môn Tiếng Anh về chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình cho trẻ làm quen với Tiếng Anh theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT. Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ kiến nghị trung ương bổ sung biên chế giáo viên môn Tiếng Anh để tuyển dụng đủ giáo viên phục vụ Đề án; trường hợp trung ương không bổ sung biên chế thì có văn bản cho phép địa phương được hợp đồng giáo viên trong định mức để xử lý vấn đề thiếu giáo viên…
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm