Bạn đọc

Gia Lai: Đến năm 2025, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT đạt 98%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2933/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch là duy trì kết quả đạt được và phát triển số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bền vững, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đến năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT là 92,75%, năm 2024 là 93,75% và đến năm 2025 là 95%.
Để đạt mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT, tăng nhanh và bền vững số người tham gia BHYT đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Giao chỉ tiêu thực hiện BHYT đến cấp cơ sở, hàng năm đưa chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT. Phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT, nhất là vai trò của tổ chức đoàn thể, cá nhân có uy tín trong các thôn, làng, tổ dân phố để vận động người dân tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về BHYT nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, toàn xã hội trong việc phát triển số người tham gia BHYT; tích cực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT và tiến tới BHYT toàn dân; chú trọng việc thực hiện BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người sinh sống ở xã khu vực III, khu vực II chuyển lên xếp xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cán bộ BHXH huyện Ia Grai tuyên truyền người dân tham gia BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Cán bộ BHXH huyện Ia Grai tuyên truyền người dân tham gia BHYT. Ảnh: Như Nguyện
Huy động mọi ngồn lực hỗ trợ mức đóng BHYT ngoài phần kinh phí của Trung ương và địa phương hỗ trợ cho các nhóm đối tượng yếu thế xã hội, góp phần gia tăng tỷ lệ tham gia BHYT. Tập trung hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ, bảo đảm đạt mục tiêu 100% các đối tượng này tham gia BHYT; hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này; hỗ trợ các đối tượng khác trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
Ngoài ra, tiếp tục kiện toàn và mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT theo hướng chuyên nghiệp, mỗi xã, thị trấn phải có nhân viên thu BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng đăng ký tham gia. Tổ chức tốt công tác khám-chữa bệnh BHYT đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động bằng các hình thức phù hợp; phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi,...) theo quy định của Nhà nước.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành; theo đó, đối với Sở Y tế, UBND tỉnh yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHYT theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ sở khám-chữa bệnh công lập, ngoài công lập, y tế ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình thanh toán khám-chữa bệnh BHYT, đảm bảo thuận lợi khi người tham gia BHYT tăng.
Kiểm tra, thanh tra hoạt động khám-chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám-chữa bệnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT. Phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT theo thẩm quyền.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh căn cứ chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được giao, cùng với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác phát triển số người tham gia BHYT. Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT theo đúng quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, đảm bảo từ năm 2023 trở đi có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT; phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên bảo đảm đạt mục tiêu 100% học sinh tham gia BHYT.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách ổn định giai đoạn 2023-2025 cho các nhóm đối tượng do NSNN đóng, hỗ trợ đóng. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường công tác quản lý việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; rà soát đôn đốc doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tham gia BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định; kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là các doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn, dừng hoạt động, phá sản.
Ban Dân tộc cùng với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và các địa phương liên quan trong công tác rà soát người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn chưa có thẻ BHYT, xây dựng giải pháp tuyên truyền vận động người đồng bào DTTS tích cực tham gia BHYT. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu đề xuất UBND tỉnh các nhóm giải pháp thực hiện chính sách BHYT cho người đồng bào DTTS, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người đồng bào DTTS tham gia BHYT đạt 98% theo Nghị quyết số 8 8/2019/QH14 ngày 19-11-2018 của Quốc hội đã đề ra.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT từ huyện, thị xã, thành phố đến cơ sở xã, phường, thị trấn, do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Hàng năm, xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội rà soát, lập danh sách số người chưa có thẻ BHYT, xây dựng giải pháp phát triển số người tham gia BHYT, thực hiện cấp thẻ đầy đủ cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công với cách mạng, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng... để hưởng chính sách về khám-chữa bệnh BHYT theo quy định. 
Ủy ban nhân tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội và các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời, tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc hoặc có các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, BHTN.
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm