Giáo dục

Tin tức

Gia Lai: Giao ban các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 29-4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú năm học 2020-2021.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Tham dự hội nghị có các ông: Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT; Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, các phòng chuyên môn trực thuộc Sở GD-ĐT; đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác dân tộc và Phòng GD-ĐT 17 huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo, giáo viên phụ trách khu nội trú, bán trú của 17 trường phổ thông dân tộc nội trú và 25 trường phổ thông dân tộc bán trú; lãnh đạo một số trường THPT có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo đó, đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 2 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THPT với 26 lớp và 838 học sinh, quy mô đào tạo mỗi trường là 430 học sinh/năm; 15 trường THCS dân tộc nội trú cấp huyện với 95 lớp, 3.068 học sinh, trong đó có 9 trường quy mô đào tạo 150 học sinh/năm, 6 trường có quy mô đào tạo 300 học sinh/năm.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cơ bản đáp ứng được tình hình học tập của đối tượng học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 17/17 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia, đạt 100%.

Hoạt động chuyên môn trong nhà trường được quan tâm tổ chức thực hiện, bước đầu đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh. Hàng năm có khoảng 30% học sinh học tại các trường THCS dân tộc nội trú cấp huyện được tiếp tục học trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, số còn lại học tại các trường THPT trên địa bàn. 2 trường THPT dân tộc nội trú nhiều năm liền tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%; học sinh trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học hàng năm đạt trên 80%, số còn lại tham gia học nghề.

Riêng đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; công tác duy trì sĩ số học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh vùng sâu, vùng xa được trực tiếp hưởng các chế độ đãi ngộ của nhà nước, đảm bảo công bằng trong giáo dục vùng miền. Toàn tỉnh hiện có 25 trường phổ thông dân tộc bán trú (trong đó có 6 trường cấp tiểu học, 10 trường cấp THCS và 9 trường liên cấp tiểu học-THCS) với 112 lớp tiểu học và 141 lớp THCS.

Cùng với đó, công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú được quan tâm; duy trì ổn định hoạt động của bếp ăn tập thể, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo; trật tự kỷ cương nền nếp trong nhà trường cũng được giữ vững...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh ở nội trú, bán trú trong thời gian đến. Trong đó, đi vào một số vấn đề cụ thể như: việc thực hiện nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú về công tác tuyển sinh, thực hiện chương trình và nội dung giáo dục đặc thù, chất lượng hiệu quả đào tạo, lao động hướng nghiệp và dạy nghề, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh nội trú; chỉ đạo việc quản lý kinh phí, thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; quản lý gạo hỗ trợ học sinh bán trú, tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú; đánh giá những hạn chế của mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú hiện nay và các giải pháp đổi mới mô hình...

 Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Mộc Trà


Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định nhấn mạnh: Việc thực hiện công tác giáo dục dân tộc là nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong ngành Giáo dục mà trong toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là với tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số nhiều như Gia Lai. Vì vậy, cần có sự quan tâm, vào cuộc của tất cả các ngành để thực hiện hiệu quả công tác này, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã phối hợp xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng để đáp ứng công tác giáo dục dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Đối với những khó khăn, vướng mắc mà các trường, địa phương đang gặp phải, Sở sẽ nghiên cứu và tùy theo thẩm quyền quản lý để giải quyết, tham mưu trình cấp trên...

 

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm