Sức khỏe

Gia Lai: Hành động để chấm dứt bệnh lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến nay, Gia Lai đã phát hiện trên 70% số người bệnh lao có trong cộng đồng và chữa lành trên 85% số phát hiện. Hiện công tác truyền thông về phòng-chống bệnh lao đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này.
Với các hoạt động vận động xã hội, chương trình phòng-chống lao đã kêu gọi và nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, do còn mặc cảm xa lánh của cộng đồng, sự kỳ thị xã hội, nhiều bệnh nhân lao thiếu tự tin, thường giấu bệnh; khi đến bệnh viện khám thì bệnh đã đến giai đoạn muộn, để lại di chứng nặng nề. Ngoài ra, chương trình phòng-chống lao đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là việc quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV, bệnh lao ở trẻ em; đặc biệt hiện nay là thiếu hụt nguồn lực làm công tác chống lao và thiếu kinh phí hoạt động.
 Trên 85% số người bệnh lao phát hiện tại tỉnh được chữa lành. Ảnh: N.N
Trên 85% số người bệnh lao phát hiện tại tỉnh được chữa lành. Ảnh: N.N
Ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng-chống bệnh lao-thông tin: Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng-chống lao 24-3”, chủ đề đưa ra năm nay là “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Tại Gia Lai, chiến dịch chấm dứt bệnh lao đến năm 2030 được triển khai với mục tiêu: giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ nhiễm lao, giảm tỷ lệ tử vong do lao và hướng tới loại bỏ hoàn toàn bệnh lao trong cộng đồng; đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc lao dưới 20/100.000 dân và tỷ lệ điều trị thành công trên 92% vào  năm 2030. Để cùng thực hiện mục tiêu trên cần có sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền các cấp, sự hợp tác chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng chung tay hành động để chấm dứt bệnh lao trên địa bàn tỉnh trước năm 2030.
Sáng 22-3, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng-chống bệnh lao phối hợp với UBND TP. Pleiku tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng-chống lao 24-3” năm 2019 với sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, UBND TP. Pleiku cùng đông đảo người dân. Sau phát động chiến dịch, các đại biểu đã hưởng ứng chương trình “Nhắn tin hỗ trợ chữa bệnh lao” trên cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; đồng thời tham gia diễu hành, tuyên truyền về phòng-chống bệnh lao tại các trục đường chính trên địa bàn thành phố.

Bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku cho biết, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và công tác phòng-chống lao nói riêng trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến xã, phường. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức của người dân ngày càng nâng lên; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh lao hàng năm đạt 100%; tỷ lệ bệnh nhân lao có vi khuẩn dương tính được điều trị lành bệnh tăng từ 91,4% (năm 2013) lên 95,1% (năm 2017).
“Năm 2018, TP. Pleiku đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia phòng-chống bệnh lao giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2030. Kế hoạch xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để cán bộ và nhân dân thành phố phấn đấu góp phần chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của người dân trong công tác phòng-chống lao. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tích cực tham gia và không kỳ thị, phân biệt đối với người mắc lao. Tăng cường và nâng cao chất lượng, số lượng, hiệu quả tiêm chủng; tăng cường giám sát, khám sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý điều trị, chăm sóc để giảm nhanh tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn lao, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và hướng tới loại bỏ hoàn toàn bệnh lao trong cộng đồng”-Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Pleiku cho biết thêm.
Còn bà Rơ Chăm HHồng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-cam kết: Với thông điệp truyền thông “Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030” và thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ, trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động, mỗi hội viên, phụ nữ cùng chung tay với các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền phòng-chống bệnh lao nhằm đẩy lùi căn bệnh này ra khỏi cộng đồng”.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm