(GLO)- Giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, hiện đang giữ ở mức 73.000 đồng/kg khiến nông dân Gia Lai vừa mừng vừa băn khoăn về việc trồng mới. Trước những trăn trở này, chính quyền địa phương cũng như chuyên gia nông nghiệp đều khuyến cáo người dân chỉ nên duy trì chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có.
Sản lượng giảm mạnh
Bà Lê Thị Hồng (làng Tông Két, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cho biết: Giá hồ tiêu 73.000 đồng/kg là rất cao so với thời điểm trước đó nhưng tôi vẫn chưa bán 4 tấn đang trữ để tiếp tục chờ giá lên. Gia đình tôi có khoảng 1.500 trụ hồ tiêu già cỗi, do giá thấp nên lâu nay không đầu tư chăm sóc, mỗi năm chỉ trồng hơn 50 gốc để giữ giống. Đây cũng là tâm lý chung của các hộ trồng hồ tiêu tại Chư Pưh. Hiện nay, khi giá lên cao thì không có để bán.
Người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh phấn khởi vì giá liên tục tăng. Ảnh: Đức Thụy |
Còn theo ông Lê Hùng (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê), để có vườn hồ tiêu hơn 6.000 trụ như hiện nay, năm 2015, gia đình ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bắt đầu thu hoạch thì giá lại giảm, thậm chí có thời điểm chỉ còn 37.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng hồ tiêu chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư hàng năm chứ không có lãi.
“Năm nay, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá hồ tiêu bắt đầu tăng mạnh trở lại khiến người dân rất phấn khởi, mặc dù năng suất giảm mạnh. Dự kiến vụ này, tôi thu được khoảng 10 tấn, giảm hơn 5 tấn so với vụ trước. Hy vọng giá hồ tiêu có thể tăng và ổn định ở mốc trên dưới 100.000 đồng/kg trong thời gian tới để nông dân chúng tôi có tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng”-ông Hùng nói.
Trao đổi với P.V, ông Trần Công Khuyến-chủ đại lý thu mua hồ tiêu (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cho biết: Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá hồ tiêu liên tục tăng, hiện tăng hơn 20.000 đồng/kg so với đầu vụ. Tuy giá hồ tiêu tăng cao, nhưng lượng thu mua của đại lý rất ít do không có người bán.
Hầu hết người dân chỉ bán một phần nhỏ để chi tiêu và trả tiền thuê nhân công thu hoạch, phần lớn trữ lại với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng thêm. Cũng chính vì việc người dân găm hàng chờ giá lên dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn hàng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nên khả năng giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-khẳng định: Giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và có thể đạt mức 100.000 đồng/kg hoặc hơn vào cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá hồ tiêu tăng mạnh trong những ngày qua là do nguồn cung thiếu hụt.
Dự ước niên vụ 2020-2021, sản lượng hồ tiêu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung giảm hơn 30% so với niên vụ trước. Mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch, nhưng hầu như người dân không bán mà giữ lại chờ giá lên, còn nguồn hàng dự trữ của các nhà đầu cơ hồ tiêu (đại lý) cũng đã cạn kiệt. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh đang mạnh tay mua hàng phục vụ xuất khẩu và các thương lái Trung Quốc cũng đẩy mạnh thu mua hồ tiêu Việt Nam để dự trữ.
Nông dân xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Quang Tấn |
Không nên đầu tư trồng mới
Ông Bính khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng mới mà trước mắt cần ổn định diện tích và chăm sóc theo hướng bền vững. Nếu trồng mới thì người dân cần chú trọng công tác chọn giống, đất phù hợp, tuyệt đối không tái canh mà nên trồng xen với các cây trồng khác để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Đặc biệt, người dân cần trồng hồ tiêu trên cây trụ sống, không nên đào hố mà cần đắp mô, để cỏ nhằm tạo độ ẩm cũng như tránh tình trạng ứ nước gây thối rễ... Ngoài ra, bà con cần áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ để vườn cây phát triển bền vững, hạn chế sâu bệnh”-ông Bính khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Giá tăng nhanh khiến bà con trồng hồ tiêu rất phấn khởi. Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu trong dân không còn nhiều, chỉ một vài hộ có điều kiện tích trữ chờ giá lên. Qua rà soát, trên địa bàn huyện hiện còn khoảng 2.500 ha hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch, ước sản lượng giảm 20-30%.
“Trước mắt người dân nên thận trọng, không đầu tư trồng mới mà chỉ duy trì chăm sóc vườn cây hiện có hoặc trồng xen trong phần diện tích cà phê tái canh. Giá hồ tiêu đang ở mức cao, theo tôi người dân nên bán để đầu tư tái sản xuất, không nên giữ lại vì không thể nào dự đoán chính xác được mức tăng giảm ra sao trong thời gian đến”-ông Hợp nêu quan điểm.
Giá hồ tiêu tại thị trường Gia Lai tuần qua (nguồn: Tin Tây Nguyên). Đồ họa: Huyền Trang |
Trước những băn khoăn về việc có nên phục hồi lại vườn hồ tiêu, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-khẳng định: Đến thời điểm này, huyện không khuyến khích bà con đầu tư trồng mới mà tập trung chăm sóc diện tích hiện có. Huyện đã làm việc với Công ty TNHH Olam Việt Nam để liên kết, hướng dẫn bà con về mặt kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế bệnh chết nhanh chết chậm trên diện tích hồ tiêu hiện có.
“Thời tiết hiện nay khá khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, chưa phù hợp với việc trồng mới. Do vậy, bà con chỉ nên trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả, chờ huyện hình thành vùng tập trung chuyên canh về cây hồ tiêu trên cơ sở bản đồ thổ nhưỡng đã được thông qua. Huyện sẽ định hướng người dân trồng nhưng có khống chế diện tích chứ không để tràn lan như trước đây, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh khẳng định.
MINH TRIỀU-QUANG TẤN