Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu có 7.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động vào năm 2020 của tỉnh Gia Lai là rất khả thi bởi hiện nay con số này đã đạt gần 5.000. Song, để các DN “sống khỏe”, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, bên cạnh sự nỗ lực tự thân thì các cấp, các ngành cũng cần những giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

Tạo nền móng vững chắc

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển DN, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bên cạnh việc cụ thể hóa mục tiêu phát triển DN, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung các giải pháp thực hiện, UBND tỉnh còn giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nền móng vững chắc để ươm tạo nguồn DN cho tỉnh.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp như: Tạo môi trường khởi nghiệp và khởi sự DN; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường thông tin tuyên truyền… Đặc biệt, việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào hỗ trợ các DN đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... đã góp phần đẩy mạnh phong trào khởi sự DN trên địa bàn.

 Không khí lao động tại Công ty cổ phần May Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY
Không khí lao động tại Công ty cổ phần May Gia Lai. Ảnh: Đ.T



Cụ thể, trong 2 năm (2017-2018), Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức được 4 lớp đào tạo về hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi sự DN cho gần 200 học viên là đoàn viên, thanh niên, phụ nữ tại các địa phương và đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp cho cán bộ phụ trách khởi nghiệp của các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, trong năm 2018, Sở đã hỗ trợ 200 lượt tổ chức, cá nhân xây dựng hồ sơ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu hàng hóa. Đây là con số rất ấn tượng nếu so với giai đoạn 1992-2017, toàn tỉnh chỉ có 135 nhãn hiệu hàng hóa được đăng ký. Không chỉ vậy, Sở còn hỗ trợ 4 DN xây dựng hồ sơ công nhận là DN khoa học công nghệ; hỗ trợ các cá nhân và DN tham gia các sự kiện về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên…

Với khát vọng đẩy mạnh hơn nữa phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là mục tiêu ươm tạo DN khởi nghiệp, tạo nền móng vững chắc cho các DN tương lai, ông Lưu Trung Nghĩa cho biết: “Sở mong muốn tỉnh sớm phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở địa phương phát triển. Ngoài ra, Sở cũng mong muốn sự phối hợp của các ngành để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và PTNT trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ngành Công thương trong công tác xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, tìm đầu ra, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Để phát triển DN bền vững cần tập trung 2 vấn đề, đó là phát triển từ nguồn nội lực của địa phương và nguồn ngoại lực-tức là những DN đến Gia Lai đầu tư. Đối với nguồn ngoại lực, tỉnh cần động viên để họ không mở chi nhánh mà thành lập DN tại Gia Lai, vừa thúc đẩy phát triển DN vừa thu được nguồn ngân sách và tạo việc làm cho lao động địa phương. Thời gian gần đây, những DN thành lập kiểu này phát triển rất mạnh. Đối với nguồn tại địa phương, tỉnh đã định hướng cho các hộ kinh doanh cá thể phát triển lên thành DN. “Toàn tỉnh hiện có khoảng 36.500 hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển DN. Hiện Sở đang tổ chức rà soát những hộ có nguồn vốn trên 500 triệu đồng (đối với cấp huyện), trên 1 tỷ đồng (đối với thành phố) và có khoảng 5 lao động trở lên để động viên họ phát triển lên thành DN; đồng thời trích ngân sách địa phương hỗ trợ chi phí thành lập mới với mức 1 triệu đồng/DN. Về phía Sở sẽ làm việc với các công ty tư vấn, cơ quan chức năng… để hỗ trợ phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý, trong 3 năm đầu sẽ không kiểm tra thuế, tạo điều kiện để DN phát triển”-ông Hồ Phước Thành nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, song song với việc đẩy mạnh phát triển DN về số lượng, tỉnh cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng các DN thành lập mới. Cụ thể, Sở sẽ tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm với quan điểm giúp đỡ, hướng dẫn là chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN ngay từ đầu để họ có điều kiện phát triển. Đặc biệt, Sở sẽ làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực miễn phí cho những DN mới thành lập; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt, tạo điều kiện để những DN mới tiếp cận làm quen với môi trường kinh doanh.

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội-nhận định: Doanh nghiệp nào thành lập cũng mong muốn có lợi nhuận và phát triển bền vững. Để giải bài toán khó này đòi hỏi DN cần xác định mục tiêu phát triển lâu dài, xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, không ngừng đổi mới, sáng tạo và phải quan tâm đến vấn đề xây dựng, bảo vệ thương hiệu… “Hiệp hội sẽ luôn đồng hành và sát cánh bên các DN, nhất là những DN mới, DN trẻ. Qua đó, kêu gọi sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để DN hoạt động thuận lợi trên mọi phương diện”-ông Tuấn cho biết.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm