Giáo dục

Tin tức

Gia Lai: Học sinh hân hoan trở lại trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 7-2, hầu hết cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh đã mở cửa đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Riêng tại những địa phương còn phức tạp về dịch Covid-19, việc đi học tập trung được thực hiện thí điểm ở một số khối lớp và bậc học trước khi tổ chức triển khai đại trà.

Pleiku: Học sinh lớp 8 và lớp 9 tới trường

Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, hơn 10.000 học sinh lớp 8, lớp 9 thuộc 14 trường THCS, 5 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Pleiku đã nô nức tựu trường sau một thời gian dài học trực tuyến để phòng-chống dịch Covid-19.

Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) kiểm tra thân nhiệt và xịt khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Mộc Trà
Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) kiểm tra thân nhiệt và xịt khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Mộc Trà


Tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (phường Hoa Lư), từ sáng sớm, Ban Giám hiệu và giáo viên đã có mặt để đón học sinh. Sau khi xếp hàng để đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn, các em học sinh di chuyển vào lớp theo 2 lối đi riêng biệt đã được nhà trường giăng dây phân luồng. Các lớp học cũng được bố trí giãn cách nhằm hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người và tiếp xúc gần. Em Đỗ Linh Ánh (lớp 9/1) phấn khởi nói: “Từ đầu năm học đến nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chúng em chỉ được đi học tập trung 1 tuần rồi sau đó phải chuyển sang học trực tuyến đến trước Tết Nguyên đán. Hôm nay, được trở lại trường, gặp bạn bè và thầy cô, em rất vui. Công tác đảm bảo an toàn phòng-chống dịch của nhà trường rất chặt chẽ nên em cũng an tâm hơn. Tin rằng, với việc nghe giảng trực tiếp trên lớp và được thầy cô củng cố kiến thức, chúng em sẽ học tập tốt hơn”.

Theo thầy Trần Tâm-Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2021-2022, toàn trường có 2.133 học sinh với 45 lớp. Trong đó, còn khoảng 37 em chưa tiêm và chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của UBND và Phòng GD-ĐT thành phố, trong tuần học đầu tiên này, toàn trường có 1.108 học sinh khối lớp 8 và 9 đi học trực tiếp, còn lại vẫn tiếp tục học trực tuyến. Ngày đầu tiên đến lớp, toàn trường vắng 79 học sinh ở cả 2 khối vì thuộc diện F1 phải cách ly y tế; có biểu hiện sốt, ho và về quê đón Tết chưa lên kịp. “Bên cạnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch và phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến sao cho an toàn, hiệu quả từ ngày 7-2. Giáo viên dạy chuyển đổi tiết trực tiếp và trực tuyến giữa các lớp theo đúng thời khóa biểu. 2 tuần đầu sau Tết, giáo viên sẽ vừa dạy bài mới vừa củng cố kiến thức và rèn kỹ năng cho học sinh. Riêng 44 em thuộc 4 khối lớp chưa thể tham gia kiểm tra học kỳ I trực tuyến sẽ được nhà trường tổ chức kiểm tra bù trong tháng 2 này”-thầy Tâm thông tin thêm.

Việc giăng dây phân luồng học sinh ra, vào lớp là một trong những biện pháp được các trường triển khai nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà
Việc giăng dây phân luồng học sinh ra, vào lớp là một trong những biện pháp được các trường triển khai nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Ảnh: Mộc Trà


Cũng trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, hơn 150 học sinh các lớp 8, 9 của Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa) rộn ràng tới lớp trong ngày 7-2. Hiệu trưởng Võ Văn Thiết cho hay: Sau khi nắm thông tin, phần đông phụ huynh đều đồng thuận với chủ trương đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Vì vậy, trong ngày học trực tiếp đầu tiên, toàn trường chỉ vắng 4 em ở cả 2 khối lớp. Để đảm bảo dạy học trực tiếp an toàn, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã phun khử khuẩn, tổ chức dọn vệ sinh toàn bộ khuôn viên trường, lớp học; bố trí phòng học lệch nhau và không liền kề, không cùng tầng; phân chia lối đi cầu thang, nhà vệ sinh riêng cho từng khối; đo thân nhiệt thường xuyên và yêu cầu giáo viên, học sinh đeo khẩu trang suốt quá trình dạy-học; đồng thời khuyến khích các em tự đem theo nước uống hoặc dụng cụ riêng để lấy nước uống, không sử dụng chung ly tại trường. Hy vọng, tình hình dịch bệnh ổn định để toàn bộ 850 học sinh của trường có thể tới lớp.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-cho biết: Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng đã có công văn yêu cầu các trường học trực thuộc quản lý thực hiện thí điểm cho học sinh lớp 8, lớp 9 đi học trực tiếp từ ngày 7-2. Trong quá trình dạy học trực tiếp, các trường chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường; chuẩn bị giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, giáo viên sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để dạy các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh, thực hiện nghiêm các quy định về phòng-chống dịch, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử lý, ngăn chặn kịp thời... Đối với các khối lớp còn lại của bậc THCS, bậc tiểu học và mầm non sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến đến hết ngày 12-2; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện và xây dựng kế hoạch cụ thể để đón học sinh đi học trực tiếp từ ngày 14-2.

Trường mầm non rộn tiếng trẻ thơ

Tại nhiều địa phương “vùng xanh” trong tỉnh, hoạt động dạy và học đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT diễn ra bình thường, ổn định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, một số huyện, thị xã cũng đã quyết định “mở cửa” các trường mầm non để đón trẻ sau hơn 1 học kỳ chưa tới lớp.

Chị Nguyễn Thị Liễu (tổ 3, phường An Phú, thị xã An Khê) phấn khởi đưa con đi học. Ảnh: Ngọc Minh
Chị Nguyễn Thị Liễu (tổ 3, phường An Phú, thị xã An Khê) phấn khởi đưa con đi học. Ảnh: Ngọc Minh


Trên địa bàn thị xã An Khê có 13 trường mầm non công lập và 6 cơ sở mầm non tư thục. Tất cả đều tổ chức các hoạt động dạy và học trực tiếp từ ngày 7-2. Vừa khai báo y tế cho con, chị Nguyễn Thị Liễu (tổ 3, phường An Phú) vừa chia sẻ: “Con tôi học lớp lá 2, Trường Mầm non Họa Mi. Trước Tết, nhà trường thông báo ngày 7-2 cho con đi học, vợ chồng tôi vui lắm. Nhà ít người nên trong suốt thời gian con nghỉ, tôi phải nhờ người thân trông giúp. Được đi học trở lại,  vô cùng háo hức. Đến trường, các cô yêu cầu khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt cho các con; tuyên truyền, hướng dẫn gia đình trao đổi thông tin giữa nhà trường và phụ huynh qua Zalo, Facebook...”.

Vì là bậc học đặc thù nên công tác đảm bảo an toàn phòng dịch được các trường đặt lên hàng đầu. Cô Nguyễn Thị Sỹ-Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (phường Tây Sơn) chia sẻ: “Trước khi đón trẻ đến trường, chúng tôi đã tổng dọn vệ sinh trường lớp, đồ dùng, đồ chơi và tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Đầu năm học, toàn trường có hơn 200 học sinh 3-5 tuổi với 7 lớp. Tuy nhiên, số học sinh đến lớp trong ngày đầu tiên chỉ đạt khoảng 50%”.

Các trường mầm non trên địa bàn thị xã An Khê đều chú trọng công tác phòng-chống dịch khi đón trẻ tới trường. Ảnh: Ngọc Minh
Các trường mầm non trên địa bàn thị xã An Khê đều chú trọng công tác phòng-chống dịch khi đón trẻ tới trường. Ảnh: Ngọc Minh


Tương tự, các địa phương ở khu vực Đông Nam tỉnh cũng linh hoạt tổ chức dạy học cho trẻ phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tại thị xã Ayun Pa, học sinh mầm non đồng loạt đến trường từ ngày 7-2; còn 2 huyện Phú Thiện và Krông Pa quyết định tổ chức thí điểm học trực tiếp cho trẻ 5-6 tuổi. Riêng huyện Ia Pa đã đón trẻ đến trường học tập từ thời điểm 1 tuần trước Tết Nguyên đán.

Ghi nhận tại Trường Mầm non Họa Mi (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), không khí rộn ràng, vui tươi tràn ngập khắp các lớp học. Cô Vũ Thị Tuyết-Hiệu trưởng nhà trường-phấn khởi nói: Để chuẩn bị cho ngày đầu tiên trở lại trường, từ mùng 4 Tết, nhà trường đã gặp mặt cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai công việc. Trong đó, tập trung vào dọn dẹp vệ sinh trường lớp, lau rửa đồ dùng, đồ chơi, giặt giũ chăn, mền cho các cháu. Mặc dù số học sinh đi học ngày đầu chưa nhiều (70/267 trẻ) nhưng công tác phòng-chống dịch vẫn được nhà trường thực hiện nghiêm ngặt. Ngoài bố trí bàn đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn cho các cháu ngay tại cổng trường và cả các lớp học để giáo viên thường xuyên kiểm tra học sinh, nhà trường cũng chưa thực hiện ăn bán trú trong tuần đầu tiên. Nhìn chung, tâm lý cô, trò, phụ huynh đều rất phấn khởi. Trừ một số trẻ lớp 2-3 tuổi có chút bỡ ngỡ, đa phần các cháu đều rất ngoan, nghe lời cô đeo khẩu trang trong suốt buổi học.

Cô và trò Trường Mầm non Họa Mi (thị xã Ayun Pa) đều rất háo hứctrong ngày đầu tiên trở lại trường. Ảnh: Vũ Chi
Cô và trò Trường Mầm non Họa Mi (thị xã Ayun Pa) đều rất háo hức trong ngày đầu tiên trở lại trường. Ảnh: Vũ Chi


Thị xã Ayun Pa hiện có 11 trường mầm non. Theo thống kê đầu năm, tổng số học sinh là 670 cháu. Trong ngày đầu tiên đi học tập trung, số trẻ đến trường đạt 34,3%. Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Võ Văn Hạnh nhận định: “Mặc dù dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, song tâm lý một số phụ huynh vẫn còn e ngại. Thêm vào đó, sau kỳ nghỉ Tết, một số cháu về quê chơi nên tỷ lệ học sinh đến trường ngày đầu tiên chưa cao. Phòng cũng đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm quy định về phòng-chống dịch khi học sinh đi học trở lại; thông qua Zalo nhóm lớp, triển khai kế hoạch học tập để toàn thể phụ huynh nắm bắt. Học sinh đi từ vùng dịch về cần hướng dẫn phụ huynh khai báo y tế, đo thân nhiệt cho các cháu ngay từ nhà. Nếu có biểu hiện ho, sốt thì tuyệt đối không đưa các cháu đến trường”.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng phòng GD-ĐT Phú Thiện thì cho hay: “Do tình hình dịch Covid-19 tại huyện còn diễn biến phức tạp nên địa phương chủ trương thí điểm cho trẻ 5-6 tuổi đến trường học trực tiếp từ ngày 7-2. Nếu tình hình dịch ổn định, các lứa tuổi còn lại sẽ đồng loạt đi học tập trung từ ngày 14-2”.

Các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 như: đeo khẩu trang, ngồi giãn cách... được các trường mầm non thực hiện nghiêm. Ảnh: Vũ Chi
Các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 như: đeo khẩu trang, ngồi giãn cách... được các trường mầm non thực hiện nghiêm. Ảnh: Vũ Chi

Việc học sinh mầm non đi học trở lại cũng là niềm hạnh phúc, mong mỏi của hầu hết giáo viên, nhất là giáo viên dạy tại các trường tư thục. Cô Trương Thị Tuyết Mai-giáo viên Trường Mầm non Tư thục Sắc Màu An Khê-tâm sự: “Tôi ra trường về đây dạy gần 3 năm. Đầu tháng 5-2021, dịch Covid-19 bùng phát, nhà trường đóng cửa. Không chỉ nhớ nghề, nhớ trẻ mà gần 8 tháng nghỉ việc không lương khiến nguồn thu nhập bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi vậy, khi nhà trường thông báo đi dạy trở lại, tôi mừng lắm. Mong sao dịch bệnh sớm đi qua để cô trò được vui chơi, học tập bình thường”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trong ngày 7-2, toàn tỉnh có 210/268 cơ sở giáo dục mầm non, 247/284 cơ sở giáo dục tiểu học, 235/235 trường THCS (TP. Pleiku chỉ có học sinh khối lớp 8, 9 học tập trung) và 51/51 trường THPT tổ chức dạy học trực tiếp; số còn lại vẫn tiếp tục dạy học trực tuyến. Sở cũng đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục đánh giá, rà soát tình hình học tập và diễn biến dịch bệnh để cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh đi học tập trung bắt đầu từ ngày 14-2.

NHÓM PHÓNG VIÊN
 

Có thể bạn quan tâm