Giáo dục

Tin tức

Gia Lai: Hội nghị trực tuyến về quản lý, sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 2-11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tăng cường công tác quản lý, sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học năm học 2021-2022 và trong những năm học tiếp theo.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở GD-ĐT có ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT; bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở.
Từ năm 2017 đến nay, Sở GD-ĐT đã đầu tư mua sắm nhiều trang-thiết bị (phần cứng và phần mềm) phục vụ cho công tác dạy học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: phần mềm, thiết bị giáo dục quốc phòng, giáo dục thông minh; phần mềm soạn giảng E-Learning, tuyển sinh đầu cấp lớp 10, ngân hàng đề thi trực tuyến (Master Test), quản lý thư viện Master Lib; thiết bị phòng học đa chức năng; thiết bị thí nghiệm, thực hành, dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; phần mềm nghiệp vụ quản lý tiền lương cho kế toán các trường THPT; tủ hút độc cho các phòng thí nghiệm, thực hành; thiết bị nhà ăn, nhà bếp, nhà ở nội trú cho các trường phổ thông dân tộc bán trú...
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà
Những năm qua, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng thiết bị dạy học phù hợp với đặc điểm của đơn vị và thiết bị hiện có, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng thiết bị. Công tác kiểm kê, bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị dạy học được thực hiện thường xuyên. Việc sắp xếp thiết bị dạy học ở phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, kho thiết bị đảm bảo khoa học, hệ thống theo phân môn, khối lớp, bộ thí nghiệm và có nhãn mác để dễ quan sát, dễ tìm kiếm, tra cứu. Giáo viên có tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng thực hành, thí nghiệm cũng như khai thác, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng thiết bị vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: một số thiết bị lâu năm đã xuống cấp, giảm tính năng sử dụng hoặc hư hỏng; nhân viên thiết bị còn thiếu, đa số là giáo viên kiêm nhiệm chưa qua đào tạo chuyên môn; công tác bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ sử dụng thiết bị chưa thực sự được quan tâm; hầu hết các trường không đủ khả năng tạo ra ngân hàng đề thi trên phần mềm Master Test; vẫn còn có trường, giáo viên chưa khai thác, sử dụng triệt để các tính năng, ứng dụng hiện đại của thiết bị...
Tại hội nghị, các Phòng GD-ĐT và một số trường học đã tham luận nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến công tác quản lý, sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tại địa phương, đơn vị mình; đồng thời đề xuất, kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng trong thời gian đến.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm