Sức khỏe

Gia Lai: Hội thảo định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 22-7, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Cục Dân số tổ chức Hội thảo định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) theo đặc trưng vùng miền.  

Hội thảo có sự tham dự của trên 100 đại biểu đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan trong việc phối hợp Đề án Kiểm soát MCBGTKS của 10 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng nhấn mạnh: Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta luôn ở mức trên 110 và ngày càng có xu hướng lan rộng xảy ra ở cả thành thị, nông thôn.

Đáng lưu ý, MCBGTKS ở nước ta xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất, đặc biệt cao ở lần sinh thứ 3 trở lên; mức độ MCBGTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình trạng kinh tế gia đình khá giả.

Cục Dân số tổ chức Hội thảo định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại Gia Lai với sự tham dự của đại diện 10 tỉnh, thành phố. Ảnh: Như Nguyện

Cục Dân số tổ chức Hội thảo định hướng các giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại Gia Lai với sự tham dự của đại diện 10 tỉnh, thành phố. Ảnh: Như Nguyện

MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi các chỉ số nhân khẩu học, tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, xã hội, đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững quốc gia.

Theo Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng, ngày 23-3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 đưa ra 4 nhiệm vụ, 11 giải pháp cụ thể thực hiện Đề án. Giai đoạn 2016-2023, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên: trung bình mỗi năm giảm 0,03 điểm % (tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 112,2; năm 2023 là 112). Tỷ số giới tính khi sinh năm 2023 tăng 0,4 điểm %, không đạt chỉ tiêu giảm 0,2 điểm % so với năm 2022 (tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 111,6).

Sau 17 năm triển khai các giải pháp can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, hiện nay tỷ số giới tính khi sinh của các tỉnh, thành phố đang hình thành 3 nhóm: Nhóm 1 có tỷ số giới tính khi sinh rất cao (trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống) gồm 21 tỉnh/thành phố; nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh cao (từ 109-112 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống) gồm 18 tỉnh; nhóm 3 có tỷ số giới tính khi sinh duy trì dưới mức 109 trẻ trai/100 trẻ gái sinh ra sống gồm 24 tỉnh.

Cục Dân số, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và hướng dẫn địa phương thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025 và định hướng các can thiệp giảm MCBGTKS được phân vùng theo 3 nhóm tỉnh. Để đạt mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 thì trung bình mỗi năm phải giảm 0,3 điểm % nên việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của các Chương trình, Đề án đòi hỏi một quá trình lâu dài và yêu cầu phải có các bước đi thích hợp để đạt được mục tiêu là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2025. Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị, định hướng các giải pháp kiểm soát MCBGTKS theo đặc trưng vùng miền để giúp các đơn vị tìm ra những giải pháp tối ưu tại địa phương, đồng thời định hướng các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGTKS đạt các chỉ tiêu đề ra trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm