Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Gia Lai: Hội thảo khoa học về quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 5-12, tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học về quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu khảo cổ học hàng đầu Việt Nam. 
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Ngọc
Qua các cuộc khai quật khảo cổ trong các năm 2015-2019 đã chỉ ra rằng: Các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định thượng du sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách nay khoảng 80 vạn năm. Phát hiện khảo cổ này đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức của giới nghiên cứu về thời điểm mở đầu lịch sử Việt Nam. Những kết quả về tính chất, niên đại, chủ nhân di tích dần được khẳng định làm thay đổi quan niệm của một số học giả không thừa nhận có một giai đoạn sơ kỳ đá cũ ở khu vực Đông Nam Á mà xem  đây là khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu; đồng thời bổ sung vào bản đồ phân bố cộng đồng người sơ kỳ Đá cũ sớm của nhân loại. Với ý nghĩa quan trọng đó, năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá tại thị xã An Khê. Nhằm phát huy hơn nữa giá trị di tích, đầu năm 2019, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng quốc gia đối với di tích này.
Tại hội thảo, PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử-nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện Khảo cổ học Việt Nam đã trình bày tóm tắt nội dung lý lịch di tích như: quá trình phát hiện, khai quật; kết quả khai quật 4 di tích Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 và kết quả thám sát ở 10 di tích Rộc Tưng khác; đặc trưng, tính chất niên đại và chủ nhân; tư liệu phân tích đồng vị phóng xạ các mảnh tectit, tư liệu loại hình học so sánh; giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích; thực trạng bảo vệ, phương hướng bảo vệ, phát huy di tích. Đại diện Bảo tàng tỉnh cũng báo cáo bản vẽ di tích và bản ảnh về di tích. Các chuyên gia, nhà khoa học đã bổ sung thêm một số thông tin, ý kiến về tên gọi di tích, đánh giá hiện trạng, ý kiến người dân, công tác quy hoạch… nhằm hoàn thiện hồ sơ để Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm