Sức khỏe

Gia Lai: Hội thảo thí điểm mô hình lồng ghép tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 9-10, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo triển khai thí điểm mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhằm giới thiệu, lấy ý kiến về kế hoạch triển khai mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở.

z5911991085146-041fcd9534c85bf55e933904cf1fa936-4487.jpg
Hội thảo triển khai thí điểm mô hình lồng ghép dịch vụ tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức. Ảnh: Như Nguyện

Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Minh Hằng-Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; ông Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; cán bộ và chuyên viên các Vụ, Cục, Viện: Kế hoạch-Tài chính, Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Quản lý Khám chữa bệnh, Quản lý Dược; Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và cán bộ kỹ thuật của các tổ chức: WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Resolve to Save Lives tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Gia Lai, tham dự có ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo và các cán bộ chuyên trách của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe chia sẻ mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu trong đó có tiêm chủng mở rộng dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em và các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế thuộc tỉnh Gia Lai; kết quả thí điểm mô hình lồng ghép chương trình tiêm chủng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai; mô tả mô hình lồng ghép giữa tiêm chủng mở rộng và bệnh không lây nhiễm tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum.

Các đại biểu cũng được cập nhật thông tin liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và dinh dưỡng, quản lý các bệnh không lây nhiễm; nghe trình bày dự thảo mô hình lồng ghép tiêm chủng với một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hội thảo cũng xin ý kiến đóng góp từ các đại biểu cho việc hoàn thiện thiết kế mô hình lồng ghép tiêm chủng với một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở

Được biết, Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế chủ trì với sự hỗ trợ của WHO và UNICEF. Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Sau đó do hiệu quả tối ưu mang lại, Chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng được thụ hưởng. Sau hơn 40 năm đi vào cuộc sống, công tác tiêm chủng mở rộng đã góp phần to lớn vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần quan trọng trong thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

z5911991057037-f6cea3d4df385a646624a7fed95cc9b3-5185.jpg
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai chia sẻ mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu trong đó có tiêm chủng mở rộng dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em và các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế thuộc tỉnh. Ảnh: Như Nguyện

Tại Gia Lai, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai từ những năm 1985. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm đều đạt trên 90%. Tuy nhiên từ năm 2021-2023, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại tỉnh chưa đạt theo kế hoạch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và khó khăn trong cung ứng vắc xin, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm trên diện rộng.

Năm 2023, tỉnh Gia Lai đã triển khai thí điểm mô hình lồng ghép tiêm chủng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm. Mô hình do WHO hỗ trợ, Bộ Y tế quản lý, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện. Sở Y tế Gia Lai và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị phối hợp. Mục đích của mô hình là nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và phát hiện, quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường nhằm hạn chế tàn tật tử vong sớm, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cộng đồng. Qua triển khai, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân ở những vùng khó khăn, tăng tỷ lệ số người được sàng lọc, phát hiện bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.

Có thể bạn quan tâm