Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gia Lai huy động nguồn lực nâng cao tỷ lệ đô thị hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai không đồng đều, chủ yếu tập trung ở TP. Pleiku và các thị xã. Do vậy, nhiều giải pháp đã được đề ra để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 35% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Hoàn thiện hạ tầng giao thông để nâng cao chất lượng đô thị Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Hoàn thiện hạ tầng giao thông để nâng cao chất lượng đô thị Pleiku. Ảnh: Hà Duy
Đẩy mạnh đô thị hóa
Theo đánh giá, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 29%. Nhìn chung, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh không cao, tỷ lệ đô thị hóa không đồng đều, tập trung chủ yếu ở TP. Pleiku và các thị xã; trong đó, địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là TP. Pleiku với gần 80% và thấp nhất là huyện Chư Prông với 8,75%.
Ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: “Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã tổ chức rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch chung cho 17 đô thị, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Pleiku và lập quy hoạch chung cho Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh”.
Toàn tỉnh có 19 đô thị, trong đó có 3 đô thị thuộc tỉnh, 15 đô thị loại IV, V thuộc huyện và 1 Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đến năm 2035, tỉnh phấn đấu có 29 đô thị (bao gồm: 1 đô thị loại I là TP. Pleiku; 3 đô thị loại III; 4 đô thị loại IV; 9 đô thị loại V và thành lập mới 12 đô thị loại V là các thị trấn thuộc huyện).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng rà soát, đề xuất, kêu gọi đầu tư nhiều dự án phát triển đô thị, khu dân cư. Trong đó, tập trung khu vực TP. Pleiku và một số đô thị có tiềm năng trước mắt như: thị xã An Khê, thị trấn Chư Sê (đô thị loại IV), thị trấn Đak Đoa (đô thị loại V)... với 36 dự án với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 1.395 ha.  

Các đô thị trong tỉnh chủ yếu nằm trên 3 tuyến chính là quốc lộ 19, 14, 25, còn lại một phần các tuyến tỉnh lộ. Những năm qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối các đô thị trong tỉnh với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế-xã hội giữa các địa phương.
Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư, cải tạo, chỉnh trang đô thị bằng nhiều nguồn vốn; nâng cấp các tuyến giao thông đô thị theo quy hoạch tại TP. Pleiku, các thị xã An Khê, Ayun Pa, các thị trấn huyện; đồng thời, phát triển mạng lưới đường giao thông liên huyện, liên xã... để tạo điều kiện phân bố lại dân cư, phát triển kinh tế-xã hội và điều tiết mật độ giao thông. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 990 km đường đô thị với tỷ lệ bình quân xấp xỉ 85% được nhựa hóa, bê tông hóa.
Tỉnh cũng đã chú trọng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đô thị hóa theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trong đó, TP. Pleiku có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 10,14%/năm và tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; đến năm 2020, ngành dịch vụ chiếm 52,92%, công nghiệp-xây dựng chiếm 43,16%, nông nghiệp chiếm 3,92%.
Nhiều giải pháp phát triển đô thị
Do nguồn lực có hạn nên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị về giao thông, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, xử lý rác thải… chưa được đầu tư đúng mức. Thời gian qua, việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư vào các đô thị còn lúng túng, các dự án còn chậm hoàn tất thủ tục, tình trạng “quy hoạch treo” còn tồn tại kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%. Để thực hiện mục tiêu đó, theo Giám đốc Sở Xây dựng: Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp, bắt đầu bằng việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương về công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng… Xây dựng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Tăng cường năng lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đô thị.
“Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung vốn ngân sách để ưu tiên cho các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo kết nối hạ tầng đô thị với các khu vực xung quanh”-ông Đỗ Việt Hưng cho hay. 
Cùng với nguồn nội lực, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước “rót” vốn vào các công trình trọng điểm, đầu tư phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi, an sinh xã hội.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm