Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai không để xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình nguồn cung cũng như mức chiết khấu giảm thấp, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn duy trì hoạt động, chưa để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Thương nhân đầu mối cam kết đủ hàng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 công ty là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 9 công ty là thương nhân phân phối xăng dầu và 2 thương nhân là tổng đại lý với 385 cửa hàng kinh doanh xăng dầu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ. Trong 9 tháng năm 2022, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã bán ra thị trường khoảng 226.000 m3 xăng dầu (đạt khoảng 72% kế hoạch) với doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng; đã đóng thuế bảo vệ môi trường khoảng 398 tỷ đồng, thuế VAT khoảng 279 tỷ đồng, thuế môn bài khoảng 842 triệu đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh. Ảnh: Diệp Thảo
Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh. Ảnh: Diệp Thảo



Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên-cho biết: “Công ty hiện có 67 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và gần 100 thương nhân nhận quyền thương mại tại Gia Lai. Thời gian qua, tình hình kinh doanh xăng dầu rất khó khăn, từ doanh nghiệp đầu mối cho đến thương nhân nhận quyền đều có lãi rất ít, thậm chí có lúc còn lỗ. Ở những thời điểm nguồn hàng gặp khó khăn, Công ty đã nỗ lực rất lớn để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho hệ thống cửa hàng bán lẻ và các thương nhân nhận quyền thương mại nhằm đảm bảo không bị thiếu hụt hàng. Hiện nay, nguồn hàng của Công ty do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cung cấp, hàng nhập từ các kho ở Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa”. Cũng theo ông Long, trong 9 tháng, sản lượng xăng dầu bán ra riêng ở thị trường Gia Lai đạt 132.632 m3 (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021), bình quân hơn 14.700 m3/tháng.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PV Oil miền Trung tại Gia Lai-cho hay: Công ty có thị phần chiếm gần 20% với 19 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống và 49 thương nhân nhận quyền thương mại. Trung bình 1 tháng, sản lượng xăng dầu Công ty cung ứng ra thị trường đạt khoảng 4.000-4.500 m3, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là vì nhu cầu thị trường giảm nên sản lượng tiêu thụ giảm. Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng cũng như chiết khấu nhưng Công ty vẫn đảm bảo cung cấp 100% lượng hàng theo cam kết đối với hệ thống cửa hàng bán lẻ và kinh doanh nhượng quyền, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Chưa có cửa hàng nào không đủ hàng, phải bán giới hạn hoặc đóng cửa ở những thời điểm nhạy cảm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công thương, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Các thương nhân đầu mối đã dự báo tình hình, chủ động dự trữ các mặt hàng xăng dầu nên thị trường ở Gia Lai không xảy ra tình trạng mất cân đối về nhiên liệu, nguồn xăng dầu được đơn vị đầu mối cung ứng đầy đủ cho hệ thống của mình, không xảy ra trường hợp đóng cửa không có lý do; đảm bảo về an toàn phòng-chống cháy nổ, đo lường chất lượng, môi trường theo quy định. Để giữ ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở trên địa bàn tỉnh.

 

 Đồ họa: MINH HUỆ
Đồ họa: Minh Huệ
Các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu gồm: sử dụng phương tiện đo bị sai, hỏng hoặc không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường; tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định; ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định.

Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-thông tin: “Các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát 24/24 giờ toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn duy trì ổn định hoạt động, chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Đến thời điểm hiện tại, có 5 cửa hàng tạm ngừng hoạt động đều có lý do và được cơ quan chức năng chấp thuận. Cụ thể: Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Xuân Hòa thuộc Công ty TNHH Xuân Hòa (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa) tạm ngừng hoạt động từ ngày 29-8-2022 do thiếu người quản lý điều hành, kho đã hết hàng; Cửa hàng xăng dầu vật tư nông nghiệp thuộc Công ty TNHH một thành viên Vật tư nông nghiệp Đak Đoa (thôn 4, thị trấn Đak Đoa) tạm ngừng hoạt động từ ngày 8-9-2022 do thiếu người bán hàng, kho đã hết hàng; Cửa hàng xăng dầu số 01 thuộc Công ty TNHH một thành viên Thu Uyên (thôn Broch 1, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) tạm ngưng hoạt động do Công ty thực hiện khảo sát, sửa chữa trụ bơm, bồn chứa và đường ống công nghệ; Cửa hàng xăng dầu Đình Chương số 01 thuộc Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Vận tải Đình Chương tại Gia Lai (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang) tạm ngưng hoạt động từ ngày 3-10 đến 3-12-2022 do Chi nhánh thực hiện sửa chữa bồn chứa và các hạ tầng của cửa hàng bị xuống cấp; Trạm xăng dầu số 86 thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Văn Hồng Ân (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) tạm ngừng hoạt động từ ngày 5-10 để sửa chữa cửa hàng bị hư hỏng, thất thoát trong công việc kinh doanh.

Cũng theo ông Hà, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, các đội quản lý thị trường đã triển khai cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu ký 387 bản cam kết và dán 387 áp phích đường dây nóng tiếp nhận tin báo các hành vi vi phạm về đầu cơ, găm hàng, bán cao hơn giá niêm yết, tăng giá quá mức tại tất cả cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 28-1 đến 26-10, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 146 cơ sở kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử lý 4 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 119 triệu đồng (trong đó phạt hành chính 110 triệu đồng; buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 9,5 triệu đồng).

 

 DIỆP THẢO

Có thể bạn quan tâm