Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Kiến nghị giảm thiểu thiệt hại cho các dự án điện gió

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việc 9 dự án điện gió công suất 629 MW ở Gia Lai chưa được đóng điện gây lãng phí rất lớn cho xã hội và khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã kiến nghị sớm ban hành giá bán điện cho các dự án điện gió đã hoàn thành sau ngày 31/10/2021.

Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa được vận hành thương mại.
Một dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa được vận hành thương mại.
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh có 9 dự án điện gió công suất 629 MW đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại và đấu nối phát điện lên hệ thông điện quốc gia do chưa có giá bán điện. Điều này làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Trước thực trạng này, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị, đề xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại của các dự án này.
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành chức năng sớm ban hành giá bán điện cho các dự án điện gió đã hoàn thành sau ngày 31/10/2021, bao gồm cả các dự án đã vận hành một phần và các dự án chưa vận hành. Hai là, trong thời gian giá bán điện chưa được ban hành, cho phép các dự án trên được đấu nối phát điện lên lưới điện quốc gia và ghi nhận sản lượng điện đã phát; sau khi có giá bán điện mới tính toán và hoàn trả tiền bán điện cho các chủ đầu tư.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh chia sẻ, hiện nay, với 629 MW chưa được đóng điện gây lãng phí rất lớn cho xã hội và khó khăn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, nếu như 629 MW này được vận hành thương mại, thì từ đầu năm đến nay ước thất thoát khoảng 4,5 tỷ kWh. Do đó, ngành công thương kiến nghị ngành chức năng sớm ban hành giá chuyển tiếp sau ngày 31/10/2021. Hoặc cho kiểm tra, nghiệm thu đóng điện và vận hành thương mại; nếu trong điều kiện chưa có giá thì ghi nhận chỉ số công tơ để sau khi có giá thì tiến hành thanh toán, như vậy sẽ tránh những thất thoát nguồn lực và mang lại hiệu quả cho xã hội. 
Hiện, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 17 dự án điện gió được đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.240 MW; trong đó, 7 dự án được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy, công suất 446,2 MW; 4 dự án được công nhận vận hành thương mại một phần dự án (còn 287,8 MW chưa được công nhận vận hành) và 5 dự án chưa được công nhận vận hành thương mại, công suất 341,2 MW.
Như vậy, với 629 MW chưa được công nhận vận hành thương mại này nếu được phát lên lưới điện quốc gia, thì sản lượng điện thiệt hại trong 6 tháng qua ước khoảng 4,5 tỷ kWh; theo đó doanh thu thất thoát hơn 8.600 tỷ đồng nếu tính theo giá bán điện tại Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
“Gia Lai hiện còn 9 dự án, với tổng công suất 629 MW chưa được vận hành thương mại. Nguyên nhân là theo điều chỉnh dự án điện 7, để được vận hành thương mại hưởng giá FIT (giá ưu đãi) theo quy định đến ngày 31/10/2021 phải được nghiệm thu đóng điện. Còn lại, sau thời hạn này chưa có giá nên chưa được nghiệm thu đóng điện và mua bán điện”, Giám đốc Phạm Văn Binh cho biết.
Năm 2021, nhờ các dự án điện gió, điện mặt trời đồng loạt triển khai trên địa bàn nên tỉnh Gia Lai thu ngân sách vượt chỉ tiêu với tổng nguồn thu hơn 7.000 tỷ đồng. Các dự án điện gió được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, đã khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh; tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương.
Ngoài ra, các dự án điện gió còn đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chủ đầu tư, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và dân cư khu vực dự án, góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Tin, ảnh: Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
 

Có thể bạn quan tâm