Bạn đọc

Gia Lai: Kiên quyết thu hồi đất rừng bị lấn chiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều năm rừng bị giảm mạnh về diện tích và độ che phủ bởi nhiều nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh công tác trồng lại rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống biến đổi khí hậu… Thực hiện quyết định của Thủ tướng, cơ quan chuyên môn các địa phương, chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc trồng lại rừng trên những diện tích bị xâm chiếm.

 Vườn ươm thông ba lá để trồng rừng. Ảnh: N.D
Vườn ươm thông ba lá để trồng rừng. Ảnh: N.D

Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhưng những năm qua, rừng trên địa bàn tỉnh giảm mạnh về diện tích và độ che phủ. Trong khi đó, công tác trồng rừng chưa được quan tâm đúng mức để thu hút người dân tham gia trồng và hưởng lợi từ rừng. Vì vậy, trồng lại rừng trên những diện tích bị người dân xâm lấn để nâng cao độ che phủ của rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề bức thiết hiện nay.  

Theo kế hoạch, trong năm 2017, toàn tỉnh sẽ trồng mới 7.491 ha rừng. Trong đó, trồng rừng tập trung 6.491 ha; rừng phòng hộ, đặc dụng 269 ha... Ngoài ra, các địa phương cân đối sử dụng các nguồn lực trồng thêm 1 triệu cây phân tán (tương đương khoảng 1.000 ha rừng).

Để đạt kết quả này, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1123/KH-UBND về việc tổ chức thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Theo đó, sẽ thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc quyết định giao đất, diện tích đất mới bị lấn chiếm sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg, diện tích có lập hồ sơ vi phạm…, đảm bảo thu hồi ít nhất 7.000 ha để đưa vào trồng rừng trong năm nay. Bên cạnh đó, những diện tích đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2006 nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng chưa có hồ sơ vi phạm và chưa có quyết định thu hồi nếu là đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, các huyện và chủ rừng cần làm rõ hiện trạng và xây dựng kế hoạch thu hồi để đưa vào trồng rừng trong những năm tới. Ưu tiên giao lại người dân trồng rừng có hưởng lợi như hỗ trợ cây giống, trợ cấp gạo… Theo đó, 1 ha người dân trồng rừng 7 sào, còn lại 3 sào trồng các loại cây ngắn ngày. Ngoài ra, khi cây rừng chưa khép tán, người dân được hưởng lợi 100% và chỉ phải nộp cho nhà nước 80 kg thóc/ha…

 

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê để người dân lấn chiếm 1.266,3 ha đất lâm nghiệp. Ảnh: M.N
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê để người dân lấn chiếm 1.266,3 ha đất lâm nghiệp. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa cho biết: Ưu tiên lớn nhất hiện nay của huyện là trồng rừng trên những diện tích mà người dân đã xâm lấn từ những năm trước và những khu vực đất trống. Hiện các cơ quan chuyên môn của huyện đang tập trung khảo sát và rà soát lại diện tích người dân đăng ký trồng rừng trong năm nay; tổ chức vận động, tuyên truyền và hỗ trợ cây giống cho người dân trồng rừng theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đặt vấn đề ký hợp đồng với người dân để trồng rừng tại xã Hà Đông cũng như các xã khác…

Thực hiện Thông báo số 191/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, các cấp, ngành và địa phương cùng các chủ rừng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là công tác trồng rừng sản xuất. Ông nguyễn Nhĩ-Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: Sau nhiều năm giảm mạnh về diện tích và độ che phủ, hiện nay, công tác trồng rừng đang được quan tâm mạnh mẽ từ trung ương đến tỉnh. Hiện nhiều hộ dân ở các địa phương và chủ rừng đã đăng ký trồng rừng sản xuất trong năm 2017. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang khảo sát và có kế hoạch hợp tác trồng rừng với người dân để đôi bên cùng hưởng lợi. Đây là tín hiệu rất lạc quan và cơ quan chuyên môn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trồng rừng, tăng thu nhập từ nghề rừng. Những chính sách ưu đãi của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới sẽ góp phần mang lại màu xanh cho rừng…

 Nguyễn Diệp

Theo Kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về thu hồi đất rừng bị xâm lấn để chuyển đổi cây trồng  phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, trong 3 năm (2017-2019), toàn tỉnh sẽ thu hồi tối thiểu 30 ngàn ha tại 17 huyện, thị xã, thành phố. Riêng 2 năm (2017-2018), diện tích thu hồi tối thiểu là 10 ngàn ha…

Có thể bạn quan tâm