Kinh tế

Gia Lai: Lại lên “cơn sốt” hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi các nhà chuyên môn đang loay hoay tìm nguyên nhân và giải pháp cứu vãn loại cây trồng đang “sốt” trên vùng đất đỏ bazan Gia Lai bị chết hàng loạt thì việc giá hồ tiêu tăng cao trong vụ vừa qua đã gây nên một “cơn sốt” mới. Hàng ngàn nông dân trong tỉnh đổ xô trồng mới hồ tiêu với diện tích ước tính lên đến hàng trăm ha.
Vẫn chưa có thuốc “đặc trị”
Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 5.000 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch, trong đó tập trung phần lớn ở hai huyện Chư Sê và Chư Pưh với khoảng 3.000 ha. Vụ tiêu 2009-2010, giá tiêu tăng đột biến từ 35.000 đồng/kg đầu vụ đến trên 80.000 đồng/kg trong các tháng vừa qua làm cho nhiều nông dân hồ tiêu Gia Lai “trúng lớn”.
Tại vùng hồ tiêu Chư Sê, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha. Với giá 80 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi hơn một nửa, nhiều hộ dân ở các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa có thể thu được 1-2 tỷ đồng. Trong khi người trồng tiêu đang phấn khởi vì tiêu được giá thì những tháng vừa qua, hàng trăm ha hồ tiêu trên địa bàn Gia Lai bị chết rụi đã gây một cú sốc lớn cho nông dân. Không ít hộ dân đang phải chạy đôn chạy đáo để xoay xở đống nợ nần đã vay mượn để đầu tư cho vườn tiêu.
 Đúc trụ tiêu bê tông. Ảnh: T.T
Đúc trụ tiêu bê tông. Ảnh: T.T
Nguyên nhân hồ tiêu bị chết ở đây được cơ quan chức năng các huyện trọng điểm hồ tiêu cho là do tổn thương bộ rễ, do sâu bệnh, do ảnh hưởng của hai cơn bão số 9 và số 11 năm ngoái nước ngập lâu làm thối rễ là điều kiện thuận lợi để rệp sáp và các loại nấm xâm nhập phá hại... Nhưng rồi những giải pháp đưa ra cũng chỉ là khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển đổi vườn tiêu chết sang trồng các loại cây trồng khác và hướng dẫn cho người dân kỹ thuật chăm sóc, bón phân như thế nào để vườn tiêu nhanh chóng phục hồi…

Một số ý kiến khác cho rằng: Cây hồ tiêu ở vùng trọng điểm này chết nhiều, ngoài những nguyên nhân nói trên còn có một nguyên nhân khác cần được nghiên cứu kỹ là, phần lớn diện tích tiêu bị chết đều có tuổi thọ trên 10 năm. Do trong những năm đầu, bà con trồng tiêu đầu tư khai thác quá mức về sản lượng gấp 2-3 lần nên cây tiêu không còn đủ sức để phát triển đến thời gian theo lý thuyết là 20 năm. Thế nhưng, vấn đề này cũng cần phải xem xét cụ thể hơn, bởi những gì chúng tôi được biết, trong hàng trăm ha hồ tiêu bị chết, vẫn có không ít số diện tích chỉ mới cho thu hoạch được vài ba năm. Đơn cử như vườn tiêu của ông Trần Văn Thành, xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) có 800 trụ tiêu trồng từ năm 2003. Đến năm 2006, vườn tiêu bắt đầu cho thu hoạch với mỗi năm khoảng trên 3 tấn tiêu. Tuy nhiên, sau vụ thu hoạch tiêu vừa rồi, vườn tiêu của ông bỗng dưng vàng úa và chết hàng loạt nên ông đành phá bỏ để trồng lại toàn bộ vườn tiêu.
Cũng ở huyện này, tại xã Nam Yang, vườn tiêu gia đình ông Trần Văn Phước có trên 2.000 trụ đã cho thu hoạch được khoảng 10 năm nay. Vụ tiêu vừa qua, do ảnh hưởng của các cơn bão cũng như điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng gia đình ông vẫn thu hoạch được hơn 15 tấn tiêu. Vườn tiêu của ông liên tục nhiều năm cho năng suất cao hơn 2-3 lần so với các vườn tiêu trong vùng, nhưng vẫn chưa hề có dấu hiệu vàng úa hay chết rụi.
 
Nông dân “rầm rộ” mở rộng diện tích
Thu hoạch tiêu. Ảnh: Đ.T
Thu hoạch tiêu. Ảnh: Đ.T
Trong khi các nhà chuyên môn đang loay hoay tìm nguyên nhân và giải pháp để cứu vãn loại cây trồng đang “sốt” trên vùng đất đỏ bazan này thì việc giá hồ tiêu tăng cao trong vụ vừa qua đã gây nên một “cơn sốt” mới. Hàng ngàn nông dân trong tỉnh bất chấp việc hồ tiêu đang chết hàng loạt ở nhiều nơi để mở rộng diện tích hồ tiêu.
Theo ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù đất đai vùng này đã khan hiếm, nhưng hàng ngàn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu với trung bình mỗi hộ từ vài trăm đến vài ngàn gốc tiêu.
Riêng đối với các huyện còn nhiều đất trống như Chư Prông, Đak Đoa… hàng ngàn hộ dân đã đổ xô trồng tiêu ước tính lên đến hàng chục ha. Nhiều hộ đã phá vườn cà phê đang sắp đến vụ thu hoạch để chuyển sang trồng tiêu. Ông Nguyễn Hường- chuyên đúc trụ tiêu ở xã Nam Yang cho biết, vài tháng nay, ông đã đúc hơn 6.000 trụ tiêu cho người dân trong xã. Vẫn có hàng trăm hộ dân ở xã này tự thuê nhân công đúc trụ hoăc mua trụ tiêu từ các nơi khác về trồng. Cũng theo ông Hường, ước tính, riêng ở xã này, vụ trồng tiêu năm nay có khoảng 30.000 trụ tiêu được trồng mới. Tại xã Tân Bình (huyện Đak Đoa), cơ sở đúc trụ tiêu của ông Nguyễn Duy Tân đã sản xuất gần 30.000 trụ tiêu để bán cho người dân trồng tiêu trong năm nay. Đối với người dân huyện Chư Prông, nhờ diện tích đất trống còn khá nhiều, giá trụ gỗ không cao nên nhiều hộ dân có thể đầu tư trồng mới lên đến vài ha hồ tiêu.
Việc người dân rầm rộ trồng tiêu như năm nay đã đẩy giá trụ và giống hồ tiêu tăng cao. Vụ tiêu năm ngoái, giá bán một trụ tiêu bê tông dao động ở khoảng từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng. Tuy nhiên năm nay, giá trụ tiêu đã được đẩy lên cao, giá mỗi trụ tiêu 6 cạnh là 92.000 đồng, và trụ tiêu vuông 75.000 đồng. Nếu tính chi phí vận chuyển đến tại vườn và công dựng trụ thì mỗi trụ được tính thêm khoảng 13.000 đồng. Đối với giống tiêu, năm nay phần lớn người dân đều trồng giống Vĩnh Linh. Vào đầu vụ trồng tiêu, giá tiêu giống Vĩnh Linh ươm bầu dây lươn là 3.000 đồng/bầu (2-3 dây), giống Vĩnh Linh ươm bầu nhánh 15.000 đồng/bầu. Còn đối với giống Vĩnh Linh cắt trực tiếp từ thân những trụ tiêu đã trồng có giá 10.000 đồng/dây. Mỗi trụ tiêu được trồng từ 2 đến 3 dây tiêu giống. Để đầu tư một trụ tiêu hoàn chỉnh, nông dân phải chi phí từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng. Tuy nhiên, năm nay mưa nắng thất thường, nhiều vườn tiêu sau khi “xuống giống” gặp phải nắng hạn đã chết hơn 50%.
Thời tiết thất thường trên địa bàn Gia Lai trong những tháng mùa mưa đã làm cho hàng trăm ha tiêu mới trồng trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng. Người trồng tiêu lại tiếp tục bỏ tiền để mua giống trồng lại làm cho giống tiêu trở nên khan hiếm và đương nhiên giá giống tiêu đã được đội lên.
Tiến Thành

Có thể bạn quan tâm