Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục được triển khai sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân. Phong trào đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thi đua làm giàu

Để phong trào lan tỏa và đi vào chiều sâu, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, vật tư nông nghiệp, giới thiệu, quảng bá sản phẩm...

 Gia đình anh Trương Văn Kỳ (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phát triển nghề chăn nuôi gia cầm mang lại thu nhập cao. Ảnh: Anh Huy
Gia đình anh Trương Văn Kỳ (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) phát triển nghề chăn nuôi gia cầm mang lại thu nhập cao. Ảnh: Anh Huy


Hiểu rõ nhu cầu vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, các cấp Hội đã tạo điều kiện để hội viên nông dân được tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau. Tính đến cuối năm 2021, các cấp Hội nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng cấp hơn 1.600 tỷ đồng cho 43.750 lượt hộ hội viên nghèo, gia đình chính sách vay thông qua 1.019 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho 21.364 hộ vay với tổng dư nợ trên 2.312 tỷ đồng thông qua 733 tổ vay vốn.

\Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có 1.812 hộ hội viên nông dân được vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng thông qua 116 dự án, mô hình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng phối hợp cung ứng hàng chục ngàn tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên nông dân đầu tư sản xuất; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng giúp hội viên nông dân chủ động ứng dụng, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhờ đó, số hội viên nông dân mạnh dạn đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày một tăng. Bình quân số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trong giai đoạn 2017-2022 là 62.870 hộ/năm (chiếm 64,44% số hộ đăng ký), tăng 7.833 hộ so với giai đoạn 2012-2017. Trong đó, 297 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, 3.575 hộ cấp tỉnh, 16.812 hộ cấp huyện và 42.186 hộ cấp cơ sở.

Đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, ông Bùi Xuân Khấn (tổ 10, thị trấn Phú Thiện) cho hay: “Năm 2000, gia đình tôi từ Bắc vào Phú Thiện lập nghiệp, vốn liếng mang theo chỉ đủ mua 1 sào ruộng và nuôi vài con heo. Tôi đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi heo, phát triển sản xuất nông nghiệp”. Nhờ cần cù, chịu khó và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên gia đình ông ngày một khấm khá. Hiện tại, gia đình ông có 7 ha lúa, 2 máy gặt đập liên hoàn và 1 máy cày xới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tương tự, anh Rah Lan Thạch (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê) cũng chủ động tham gia các buổi hội thảo, tập huấn do Hội Nông dân phối hợp với các ban, ngành tổ chức; tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi rồi mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây ngắn ngày kém hiệu quả, cây hồ tiêu bị bệnh sang trồng hơn 3 ha cà phê xen chanh dây, bơ. Năm 2021, gia đình anh thu trên 600 triệu đồng từ vườn cà phê xen cây ăn quả, gần 1 ha lúa nước, ao hồ và chăn nuôi gia súc. Hàng năm, anh tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ; hướng dẫn cho hơn 40 hộ dân kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư.

Phong trào ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Võ Anh Tuấn: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt, phong trào tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với bà con nông dân, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Trong giai đoạn 2017-2022, các cấp Hội đã kết nạp mới 31.392 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên gần 180.000 người; tỷ lệ cơ sở Hội vững mạnh và khá cuối năm 2021 đạt 94,12%.

Nhiều hội viên nông dân ở xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) đã vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Anh Huy
Nhiều hội viên nông dân ở xã Ia Boòng (huyện Chư Prông) đã vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi. Ảnh: Anh Huy


Phong trào cũng đã tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, giai đoạn 2017-2022, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 320 ngàn lao động. Các cấp Hội còn trực tiếp và phối hợp với ngành chức năng vận động, hướng dẫn thành lập 202 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã toàn tỉnh lên 334; thành lập mới và duy trì 468 tổ hợp tác; xây dựng và duy trì 553 chi hội, tổ hội nghề nghiệp; quản lý 779 nhóm chung sở thích.

“Những năm tới, Hội phấn đấu hàng năm có từ 60% số hộ hội viên nông dân trở lên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và 50% trở lên trong số đó đạt danh hiệu này. Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cơ sở Hội bám sát địa bàn, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng của hội viên. Từ đó có những giải pháp cụ thể đồng hành cùng hội viên để phong trào tiếp tục phát triển mới về chất”-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm