(GLO)- Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đang tiến hành loại bỏ các thủ tục không cần thiết, hướng dẫn cụ thể quy trình lập thủ tục đầu tư cho từng lĩnh vực.
Tài liệu hướng dẫn quy trình đăng ký, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai vừa được đăng công khai trên website của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đây được coi là tài liệu hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, sát sườn nhất từ trước đến nay mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng dễ dàng tiếp cận thay vì phải đến tận các cơ quan đầu ngành để được hướng dẫn như thời gian trước.
Lễ khởi công Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai do Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Hà Duy |
Ông Bùi Hữu Nam-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại-dịch vụ Tiến Công (tỉnh Nam Định) chia sẻ: Thông thường, khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương nào đó, ngoài việc tìm hiểu tiềm năng thì doanh nghiệp đều phải nghiên cứu kỹ càng môi trường đầu tư xem có thuận lợi, khó khăn gì không. Tâm lý chung của doanh nghiệp là thời gian giải quyết các thủ tục càng nhanh càng tốt. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thời gian gần đây, Gia Lai đã thay đổi rất nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Theo ông Nam, tài liệu hướng dẫn quy trình đăng ký, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh được đăng công khai đem lại hiệu quả rất lớn. “Đây là tài liệu mà nhà đầu tư nào cũng muốn tiếp cận sớm để có những chuẩn bị cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Riêng lĩnh vực thương mại-dịch vụ, nhờ tiếp cận tài liệu này mà tôi nắm rõ việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường được thực hiện đồng thời với thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng”-ông Nam cho hay.
Trước đó, trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã có Công văn số 1669/UBND-CNXD thống nhất việc không xem xét triển khai bước xin chủ trương khảo sát nghiên cứu, lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với trường hợp pháp luật không có quy định về việc triển khai bước này. Đây chính là sự linh động mà tỉnh ta thực hiện để các nhà đầu tư không cần tốn thời gian đối với những thủ tục không cần thiết.
Song song với các hoạt động trên, tỉnh vẫn đang tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Toàn bộ 1.901 thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, 606 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 156 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1.139 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tất cả được tích hợp tại Cổng dịch vụ công của tỉnh: https://dichvucong.gialai.gov.vn; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,1%. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 và những năm tiếp theo, phấn đấu năm 2022 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Theo đó, tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành phụ trách theo dõi các chỉ số thành phần, chỉ số con và các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Mục tiêu của việc nâng cao chỉ số PCI chính là xây dựng môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả trong thu hút đầu tư.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, Gia Lai đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Hà Duy |
Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 được xây dựng với quan điểm thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng, gắn sản xuất với chế biến sâu. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, đối với nông nghiệp, tỉnh sẽ thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 1.500 ha, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 500 ha trở lên, hình thành 2-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 dự án khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 328 ha với tổng vốn đầu tư 10-15 ngàn tỷ đồng. Về công nghiệp chế biến, tỉnh phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án về lĩnh vực: logistics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông-lâm nghiệp, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, phân bón, chế biến gỗ, than hoạt tính, chế biến dược liệu với tổng vốn đầu tư trên 8.700 tỷ đồng.
Hy vọng những mục tiêu đó sẽ đạt được nhờ sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Điều này được ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn-khẳng định: “Dự án Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai được triển khai thuận lợi, nhanh chóng là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành và địa phương. Với dự án này, bên cạnh mục tiêu kinh tế thì chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa Gia Lai trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên”.
HÀ DUY